Thể thao

Nghịch lý từ các tính toán về tương lai cầu thủ U23 Việt Nam sau giải châu Á

Văn Nhân
Chia sẻ

Sau U23 châu Á 2022, tương lai cầu thủ U23 Việt Nam đã trở thành chủ đề bàn luận với nhiều quan điểm khác nhau.

Có những quan điểm rằng, các cầu thủ U23 Việt Nam cần được trao suất lên tuyển Việt Nam. Hay các CLB đừng để lãng phí tài năng của các cầu thủ U23 Việt Nam. Các CLB V.League cần phải dùng các cầu thủ U23 Việt Nam sau U23 châu Á 2022...

Phải chăng đang nhầm lẫn lớn vì hành trình ấn tượng của U23 Việt Nam, qua đó áp đặt lên cho các CLB phải "đẽo cày", thậm chí là cả nền bóng đá?

Nếu có công thức để một lứa cầu thủ trẻ trở thành nòng cốt ĐTQG, sau đó gặt hái thành công sau tiếng vang một giải trẻ thì các đội bóng châu Phi có thể vô địch World Cup. Điển hình Nigeria từng giành HCV bóng nam Olympic, và thường xuyên chơi tốt ở sân chơi này. Nhưng tuyển Nigeria chỉ có thành tích tốt nhất là vượt qua vòng bảng ở World Cup. 

Nếu lấy giải U23 châu Á làm thước đo thì Uzbekistan đã có một đội tuyển mạnh hơn Iran, Saudi Arabia và Úc (chưa vô địch). Vì Uzbekistan đã vô địch U23 châu Á năm 2018 nhưng chưa bao giờ dự World Cup. 6 đội bóng châu Á giành vé dự World Cup 2022 là Qatar (chủ nhà), Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Úc. Riêng tuyển Uzbekistan không vào nổi vòng loại cuối cùng, tức kém hơn so với tuyển Việt Nam, UAE, Trung Quốc...

Sự tiến bộ của các lứa cầu thủ trẻ là thước đo để thấy công tác đào tạo trẻ của một nền bóng đá phát triển. Nhưng lấy riêng một lứa U23 để nói là tương lai cho ĐTQG thì không đúng, bắt các CLB chuyên nghiệp dùng họ càng sai và tạo áp lực cho chính các cầu thủ trẻ. Vì cầu thủ đá cấp U khác hoàn toàn cấp độ chuyên nghiệp về trình độ và kinh nghiệm. Mỗi HLV cũng có triết lý dùng người khác nhau. Mỗi CLB có tham vọng riêng. Chỉ có một cách để cầu thủ trẻ phát triển tài năng, đó là phải tự thân đấu tranh để tìm được chỗ đứng khi trở về CLB và họ cần có môi trường tốt để tiến bộ.

Nghịch lý từ bài toán hóc búa về tương lai lứa cầu thủ U23 Việt Nam Ảnh 1
Không nên cố ép, hay ca ngợi quá lời với các cầu thủ U23 Việt Nam vào lúc này.

Chúng ta hãy lấy lứa U23 Việt Nam năm 2018 làm minh chứng thực tế. Đó là một thế hệ khác biệt với nòng cốt là nhiều cầu thủ đã có chỗ đứng ở tuyển Việt Nam và CLB tại V.League. Tuy nhiên, không phải ai trở về từ U23 châu Á cũng chơi tốt và tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. 

Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Phan Văn Đức, Đình Trọng là những cầu thủ tiến bộ vượt bậc. Nếu không chấn thương thì Văn Hậu và Đình Trọng có thể thành công nhiều hơn ở hiện tại. Nhưng thủ môn Bùi Tiến Dũng, Đức Huy, Trọng Đại, Bùi Tiến Dụng, Hà Đức Chinh, Đặng Ngọc Tuấn... không tiến bộ. 

Ví dụ là thủ môn Bùi Tiến Dũng, sau U23 châu Á 2018 thì anh trở thành tâm điểm của báo chí và người hâm mộ. Không ít người đã hỏi HLV CLB Thanh Hóa: Vì sao để Bùi Tiến Dũng dự bị? Đó có thể xem là sức ép đến từ dư luận. Nhờ đó, Bùi Tiến Dũng được bắt chính nhưng anh đã liên tục mắc lỗi trong các bàn thua, bây giờ phải dự bị ở V.League trong màu áo CLB TPHCM.

Sự nhìn nhận sai về tài năng, hay những sự ngợi khen quá mức có tác dụng ngược rất lớn với một cầu thủ trẻ. Vì không phải ngẫu nhiên mà nhiều cầu thủ được gọi là thần đồng bóng đá thì dễ lụi tàn sự nghiệp.

Ngược lại, tuyển Việt Nam đang có nhiều cầu thủ không cần nổi đình nổi đám từ lứa U23 Việt Nam. Từ Hoàng Đức, Tiến Linh, Tuấn Hải, Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải đến thủ môn Đặng Văn Lâm, không có ai bước ra từ một lứa U23 Việt Nam gây tiến vang ở châu Á. Điều đó chứng tỏ năng lực của một cầu thủ là quá trình phấn đấu lâu dài, sự nỗ lực từng ngày và tự đột phá bản thân chứ không phải ép dùng, hay gây ấn tượng cấp U sẽ thành tài năng lớn!

Nghịch lý từ bài toán hóc búa về tương lai lứa cầu thủ U23 Việt Nam Ảnh 2
Cánh cửa lên tuyển Việt Nam phải đến từ năng lực thực sự và sẽ mở ra nếu cầu thủ chứng tỏ được tài năng.

Lúc này lại xuất hiện nhiều quan điểm phải dùng cầu thủ U23 Việt Nam đá V.League và ĐTQG, hay muốn ông Park dọn chỗ cho Phan Tuấn Tài lên tuyển Việt Nam. Ai cũng mong muốn thấy các cầu U23 trưởng thành và cống hiến cho đội tuyển. Nhưng hãy để cầu thủ tự khẳng định năng lực, tự tiến bộ và được thừa nhận ở cấp độ cao nhất (ĐTQG). Trường hợp của Tuấn Tài cũng cần như thế, nếu chứng tỏ được tài năng ở CLB thì cánh cửa ĐTQG tự mở ra.

Nên nhớ, sân chơi U23 chỉ là giải trẻ, là bệ phóng cho các cầu thủ được nhìn nhận rõ hơn về năng lực và cơ hội phát triển bản thân, không phải để nói là tương lai cho cả một nền bóng đá. Còn họ có đạt đến trình độ tuyển thủ hay không, mọi thứ cần chơi gian trả lời. Vì không có công thức để một lứa trẻ giỏi ở cấp U thì nhất định được thi đấu và thành công trong màu áo ĐTQG.

Hiệu ứng từ giải U23 châu Á 2022 đã là cách tốt nhất để các cầu thủ trẻ tự giới thiệu về năng lực của họ, còn tương lai phát triển như thế nào cũng phải do chính họ tự khẳng định và nỗ lực ở CLB. Ngược lại, những lời khen quá mức dễ tạo ra sự ảo tưởng và làm hỏng tương lai của các cầu thủ trẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất