Được ví như “nghệ thuật (chiến đấu) của 8 chi”, Muay Thái là môn võ sử dụng thành thạo các cánh tay, cẳng chân, nắm tay và bàn chân để đánh bại đối thủ. Ra đời trên đất Thái, Muay được phổ biến rộng rãi kể từ năm 1560, khi Vua Naresuan đưa vào chương trình huấn luyện quân đội.
Ở Thái Lan, mỗi ngày có thêm hàng trăm người, chủ yếu là trẻ em, tìm đến Muay Thái để luyện tập với hi vọng đổi đời. Chúng thi đấu ngay từ khi mới chỉ 11, 12 tuổi để tranh nhau những khoản tiền thưởng lớn.
Để lấy được những khoản thưởng đó, bọn trẻ buộc phải chấp nhận nguy cơ tổn thương não, hoặc mất trí nhớ từ rất sớm. Các nghiên cứu ở Bangkok cho biết: “Não của bọn trẻ vẫn đang phát triển, nên nếu chúng bị thương, ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với người lớn. Do đó, bọn trẻ tập Muay có trí thông minh thường thấp hơn bạn bè. Đôi khi chúng còn mất trí nhớ từ rất sớm”.
Nguyên nhân phần nào còn do bọn trẻ được phép mặc quần áo có miếng lót lúc tập để giảm chấn thương, nhưng chúng hiếm khi làm thế. Bất chấp những hiểm nguy như vậy, các trận đánh võ đài của đám võ sĩ nhí vẫn không bị cấm cản nếu có giấy chấp thuận của cha mẹ. Và làm sao các gia đình nghèo khó có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ những khoản tiền thưởng mà bọn trẻ kiếm được chỉ sau một lúc thượng đài?
Đơn cử như chú nhóc 11 tuổi đề cập ở trên. Cậu bé đến từ một gia đình nghèo với nguồn thu nhập chính là trợ cấp hàng tháng của bà mẹ đang làm nghề trông trẻ ở Bangkok. Chỉ vì số tiền thưởng kiếm được có thể tạo ra những bữa ăn ngon hơn, cậu bé buộc phải sống một cuộc đời với những buổi tập khắc nghiệt và hầu như không còn thời gian rảnh để chơi đùa.
“Con đánh vì con cần tiền”, cậu bé 11 tuổi khẳng định. Trận đấu giữa cậu với đối thủ lớn hơn 1 tuổi được xem là quan trọng do thu được số tiền cược khổng lồ, bao gồm cả 50 ngàn baht (khoảng 35 triệu đồng) từ dân làng của cậu. Và cần biết rằng 35 triệu đồng đó còn nhiều hơn thu nhập bình quân hàng năm của một người Thái.
Nhưng để được thi đấu, cậu bé 11 tuổi cần giảm cân. Cậu hiện 25kg, thừa mất 3kg. Nhằm giải quyết việc này, cha cậu đã đề ra chế độ tập luyện cực nặng cho con trai như các bài chống đẩy, nâng thùng dầu và rèn cơ cổ bằng cách gắn một miếng bê tông trên nón. Song song đó, cậu bé phải chạy mỗi ngày 8km dưới cái nóng 30 độ C trong lúc phải mặc bộ đồ ép ký để làm mất nước, nhờ đó mà giảm cân thật nhanh.
Phương pháp tập luyện kiểu đó thật nguy hiểm, nhưng các ông bố thất nghiệp cảm thấy không còn chọn lựa nào khác: “Thỉnh thoảng con tôi không đáp ứng yêu cầu, khiến gia đình túng quẫn, buộc tôi phải đi vay mượn. Còn nếu nó không đánh được nữa, tôi phải ra Bangkok kiếm việc với vợ rồi gửi tiền về cho lũ trẻ”.
Chính vì mưu sinh nên ngay cả khi biết rõ con cái có nguy cơ chấn thương não, các gia đình nghèo khó vẫn buộc phải đem sinh mệnh bọn trẻ ra kiếm cơm: “Nếu nó không đánh, tiền bạc trong nhà sẽ 'đội nón ra đi'. Đó mới là vấn đề, vì chúng tôi cần tiền để nuôi sống gia đình”.
Chính vì vấn đề đó nên giờ đây tại Thái Lan, mỗi ngày đều có hàng chục ngàn đứa trẻ tiếp tục liều mạng tập luyện và leo lên võ đài đánh Muay.