Giải sinh viên nhưng làm chuyên nghiệp
Cách đây 3 năm, bóng đá sinh viên đã từng đổi đời với giải SV-League được tổ chức bởi bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải cùng 5 doanh nhân lớn. Nhưng dịch bệnh đã khiến cho sân chơi ý nghĩa này “chết chìm” trong sự tiếc nuối lớn.
SV-League dừng lại nhưng giá trị tạo ra từng rất tốt với cách làm bài bản, chuyên nghiệp và tử tế của các ông bầu. Sân chơi mang đến hiệu ứng rất lớn cho thể thao học đường, đặc biệt làm lan toả tình yêu thể thao ra khắp cả nước cho sinh viên Việt Nam.
Thật vui cho bóng đá học đường khi SV-League dừng lại thì giải đấu khác ra đời, có quy mô lớn hơn nhiều lần và được điều hành theo “chuẩn” chuyên nghiệp. Đó là giải bóng đá Thanh niên sinh viên Việt Nam - Cúp Cafe’ de Măng Đen.
Dù là giải sinh viên nhưng có nhiều nhà tài trợ lớn như Cafe’ de Măng Đen (nhà tài trợ chính), Redbull… với mốc thời gian đầu tiên dài 5 năm. FTP là đơn vị sản xuất truyền hình cho giải đấu. Động Lực tài trợ bóng thi đấu. Đặc biệt, giải đấu được đưa vào hệ thống thi đấu thường niên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngay đến sân chơi chuyên nghiệp còn “khổ” vì nhà tài trợ (Cúp Quốc gia 2023 chưa thấy thông báo về doanh nghiệp tài trợ), sân chơi sinh viên có được nhiều doanh nghiệp đồng hành là điều hết sức ý nghĩa. Đây cũng là giá trị đặc biệt đầu tiên của sân chơi sinh viên Việt Nam.
Thứ hai, số tiền thưởng cho giải đấu rất lớn, gồm vô địch (300 triệu đồng), hạng nhì (150 triệu đồng), hạng ba (80 triệu đồng), giải phong cách (40 triệu đồng), Hội cổ động viên xuất sắc (100 triệu đồng). Ngoài ra còn có các giải cá nhân có cầu thủ xuất sắc (15 triệu đồng), vua phá lưới (10 triệu đồng), thủ môn xuất sắc (10 triệu đồng), cầu thủ ghi bàn đầu tiên từng trận, cầu thủ xuất sắc từng trận… 12 đội dự VCK đều được có chế độ từ ăn ở - tập luyện theo “chuẩn” chuyên nghiệp.
Thứ ba, giải đấu có kim chỉ nam: Chơi đẹp - Thắng đẹp - Cổ vũ đẹp. Tất cả đều phục vụ cho mục tiêu đẹp và làm tử tế nhất, bởi sân chơi sinh viên có ý nghĩa không chỉ là đá bóng mà còn bồi đắp về các giá trị đẹp cho thế hệ tương lai của đất nước.
Thứ tư, những người chung tay cho ra đời giải sinh viên muốn làm thật chuyên nghiệp để hướng đến sự bền vững, lâu dài cho một sân chơi “xanh, sạch, đẹp”. Từ việc ban hành Điều lệ giải đến bốc thăm, bảo hiểm cho cầu thủ… đều được làm rất bài bản.
Góp phần xây chân đế cho bóng đá Việt Nam
Nhìn về hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, ai cũng hiểu chân đế thiếu tính bền vững, số phận của các đội bóng chông chênh và bị “chết chìm” liên tục. Sài Gòn FC, Cần Thơ FC đã bỏ giải hạng Nhất 2023 là minh chứng. Do đó, bóng đá Việt Nam cần thêm các sân chơi để bồi đắp chân đế bền vững.
Thể thao học đường nói chung và bóng đá sinh viên nói riêng thực sự có một vị thế rất quan trọng cho các nền thể thao hàng đầu thế giới. Nhưng làm cách nào để phát triển xứng tầm, qua đó phục vụ cho bóng đá nước nhà thì câu hỏi đau đáu trong nhiều năm qua.
Trên thế giới, hầu hết các nền bóng đá phát triển đều xây dựng rất tốt hệ thống bóng đá học đường. Ở châu Á, từ Thái Lan đến Nhật Bản luôn ưu tiên phát triển bóng đá học đường, nơi sẽ cung cấp nhiều cầu thủ giỏi cho sân chơi chuyên nghiệp. Đây là điểm khuyết lớn của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm, khi bỏ qua một nguồn lực rất tiềm năng cho bóng đá chuyên nghiệp.
Từ hạn chế của sân chơi chuyên nghiệp và số phận bấp bênh của nhiều đội bóng, sân chơi sinh viên được tổ chức bài bản sẽ hứa hẹn mang đến những giá trị tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam. Đây là bệ phóng quan trọng nếu phát triển bền vững và làm một cách tử tế. Nên nhớ, tuyển Việt Nam từng có Hải Anh trưởng thành từ bóng đá học đường. Đội trưởng tuyển nữ Việt Nam - Thuỳ Trang (QBB 2022) cũng bước ra từ ghế giảng đường Đại học. Nhiều cầu thủ khác đá chuyên nghiệp cũng có gốc từ học đường.
Lợi thế của bóng đá học đường là có nguồn lực với 2,3 triệu sinh viên. Nhìn rộng hơn, văn hóa là gốc rễ của mọi thứ. Bóng đá Việt Nam thành công trong 5 năm qua nhờ có một thế hệ cầu thủ không chỉ đá bóng giỏi, mà còn có phông văn hóa khác biệt so với những đàn anh trong quá khứ. Chúng ta thấy nhiều lò đào tạo đã có xu thế cho cầu thủ trẻ học văn hoá đến Đại học. Bây giờ cần chuyển dịch về ngược lại là phát triển bóng đá học đường để sở hữu những tài năng có phông văn hoá tốt.
Bóng đá Việt Nam chắc chắn lớn mạnh hơn nếu xây dựng được một chân đế vững chắc từ bóng đá học đường, cũng như tinh thần thể thao được lan rộng ra xã hội với thế hệ những người trẻ tài năng, hội tụ nhiều phẩm chất trên nền tảng văn hóa chứ không phải chỉ biết chơi bóng giỏi. Và nói về giáo dục và văn hoá thì không chỉ gói gọn trong bóng đá mà có ý nghĩa trong mọi lĩnh vực.
Tôi rất thích cách nghĩ của ông Phạm Quý Dương (phó chủ tịch tập đoàn Vị Trí Vàng) với quan điểm rằng: “Cây lớn một ôm, khởi sinh từ một cái mầm nhỏ. Đài cao chín tầng, khởi đầu từ một sọt đất. Đi xa ngàn dặm, bắt đầu từ một bước chân. VCK đầu tiên của giải Bóng đá Thanh niên Sinh viên Việt Nam - Cúp Cafe’ de Măng Đen sẽ tranh tài vào hôm nay. Chúng tôi chúc cho 12 đội bóng thi đấu thật đẹp, chúc giải đấu thật thành công để lan toả tình yêu thể thao ra khắp cả nước”.
Sau thành công thời HLV Park Hang Seo, chúng ta đang nói về giấc mơ World Cup 2026. Hành trình ấy vô cùng khó, phải có sự chuyển động của tất cả để chung tay cho khát vọng World Cup. Chỉ có bắt đầu từ việc xây chân đế, làm bóng đá bài bản và có tính lâu dài thì bóng đá Việt Nam mới đến ngày “hái quả ngọt”.
VCK giải bóng đá Thanh niên sinh viên Việt Nam - Cúp Cafe’ de Măng Đen lần I - 2023 diễn ra từ ngày 11/3 đến ngày 26/3 trên sân ĐH Tôn Đức Thắng (Q.7, TP.HCM).
Sau nửa tháng thi đấu vòng loại ở 5 khu vực trên toàn quốc, giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam - Cúp Café de Măng Đen lần I - 2023 chính thức xác định 12 đội bóng tham dự VCK, gồm: ĐH Thủy Lợi, ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân của khu vực miền Bắc; ĐH Tây Nguyên của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Huế của khu vực miền Trung; ĐH Cần Thơ của khu vực Tây Nam Bộ; ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM của khu vực TP.HCM và đội chủ nhà ĐH Tôn Đức Thắng.