Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Khi các CLB đừng chỉ biết phê phán VPF, phải nói được làm được!

Trong thời điểm rất nhiều ngành nghề gặp khó vì dịch COVID-19 thì bóng đá Việt Nam trở thành tâm điểm với những tranh cãi, phê phán về VPF.

Hôm qua, VFF, VPF và 27 CLB họp trực tuyến để giải quyết vấn đề huỷ các giải chuyên nghiệp. Cuộc họp diễn ra căng như dây đàn trong gần 3 giờ với quá nhiều sự phê phán dành cho VPF.

Một cuộc họp mà chính người trong cuộc phản ánh đầy ngao ngán với Saostar là "như họp chợ". Vì có quá nhiều tiếng phản biện dành cho VPF và căng thẳng đến tận phút cuối cùng khi đại diện CLB không ngừng phê phán thì micro bị tắt.

Chuyện 27 CLB biểu quyết huỷ các giải đấu có lẽ chỉ là phần thủ tục của cuộc họp, bởi ai cũng dễ dàng đoán được kết quả này. Nên phần chính của cuộc họp là tiếng phản biện từ các CLB, đúng hơn là để giải toả sự bức xúc với VPF sau thời gian dài phản ánh trên báo chí.

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có nhiều CLB cùng phản biện là nên có Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo của VPF.

Chủ tịch CLB Phố Hiến - ông Vũ Tiến Thành để lại dấu ấn lớn với những trăn trở và bức xúc rất hợp tình, hợp lý về VPF. Ông Thành nói thẳng VPF chỉ là công ty tổ chức sự kiện mà ngộ nhận sai về vai trò, tự cho cái quyền đứng trên các CLB để ra quyền này nọ. Ông Thành còn nêu thẳng sự bất cập ở vai trò lãnh đạo của ông Trần Anh Tú khi ngồi hai bên, theo kiểu tay phải ký đề xuất gửi VFF và tay trái liền cầm lại sự thăm dò từ VFF là có đồng ý với đề xuất đó hay không. Vì ông Trần Anh Tú làm Chủ tịch VPF nhưng có chân ở Thường trực VFF, uỷ viên Ban chấp hành VFF, nói thẳng là "vừa đá banh, vừa thổi còi".

Ông Vũ Tiến Thành phản bác VPF thêm một ý kiến đáng chú ý: "Anh Tú ngồi đó nói anh ấy cũng bỏ tiền, chúng tôi không cần điều đó. Chúng tôi - những doanh nghiệp dư sức đi tìm tài trợ để giúp cho VPF...".

Sự thật là các CLB chi hàng trăm tỷ cho mỗi mùa bóng, trả lương cho các ngôi sao ở khung 50 -70 triệu/tháng, thậm chí có đội trả đến vài trăm triệu. Vậy các CLB thừa sức trả tiền cho lãnh đạo VPF để thay họ điều hành các giải đấu.

Ngược lại, các CLB cần là sự minh bạch, sự sáng suốt và đúng đắn của VPF trong việc điều hành các giải đấu. Vì bóng đá Việt Nam nói về chuyện kiếm tiền là điều xa xỉ, bởi các CLB chỉ bỏ tiền làm bóng đá còn thu về để có lợi nhuận là con số 0 tròn trĩnh.

Từ sự phản biện của nhiều CLB, nói đúng là sự chỉ trích có thể thấy được năng lực điều hành của VPF có vấn đề. Vì một số đội có ý kiến là VPF đang mất niềm tin nghiêm trọng.

Một điều đặc biệt được nói tại cuộc họp VPF là minh bạch về tài chính. Có ý kiến muốn VPF công khai về thu - chi tiền bạc, có văn hoá từ chức.

Xét về năng lực điều hành của VPF đã có thể nói "ba mặt một lời" gồm VFF, CLB và VPF. Nhiều đội muốn Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại, tức bị đánh giá yếu kém. Vậy năng lực tài chính của VPF gần 4 năm qua ra sao?

Nếu VPF không công khai tài chính như mong muốn của các CLB thì làm sao có thể nói tốt hơn so với thời điểm trước. Ví dụ V.League bây giờ cứ mỗi mùa lại đổi tên, vì liên tục thay nhà tài trợ, không có được sự ổn định như thời một doanh nghiệp Nhật Bản tài trợ dài hạn cho V.League với 55 tỷ đồng/mùa.

Phê phán VPF xong, các CLB phải nói được làm được Ảnh 1
VPF bị nhiều CLB phê phán, muốn bầu lại lãnh đạo.

Bản chất của sự việc phải được nhìn sòng phẳng là từ năm 2018 đến nay được xem như "giai đoạn vàng" của bóng đá. V.League được hưởng lợi rất lớn từ sự thành công của các ĐTQG. Nhờ đó, khán giả đến sân nhiều hơn chứ không phải là VPF được đánh giá làm tốt. Vì VPF làm tốt thì không xảy ra sự phản ứng của nhiều CLB.

Có được hiệu ứng khán giả nhờ các ĐTQG thì liệu chuyện kiếm tiền có tốt hơn so với quá khứ?

Đó là câu chuyện thực tế khi nói về tài chính của VPF. Hãy công khai như yêu cầu của một số CLB để tránh bị hiểu nhầm là thiếu minh bạch, cũng để cho thấy được ông Trần Anh Tú liệu có góp phần làm tốt ở VPF trong gần 4 năm qua.

Nên nhớ, ông Trần Anh Tú làm Chủ tịch VPF đã bị bầu Đức phản đối chuyện ngồi đến 3 ghế to, biến VPF thành công ty gia đình. Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền gọi là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Ông Lê Hồng Cường làm Trưởng ban kiểm soát cũng phản ánh là VPF được điều hành như công ty gia đình. Bây giờ nhiều CLB công khai muốn VPF tổ chức Đại hội cổ đông để bầu lại.

Một lãnh đạo khác của VPF là ông Nguyễn Minh Ngọc (Tổng giám đốc VPF kiêm Trưởng ban điều hành giải). Trường hợp này phản ánh nghịch lý của bóng đá Việt Nam. Ông Ngọc từ VFF sang VPF, sau đó lại về VFF. Bây giờ ông Ngọc làm Tổng giám đốc VPF. Gần 4 năm qua, không có lãnh đạo bóng đá nào "chuyển tới, chuyển lui" nhiều như ông Nguyễn Minh Ngọc.

Với các CLB cũng phải nhìn nhận rằng, tại sao có nhiều bất cập nhưng không chịu nói, chỉ đến lúc đụng chạm quyền lợi thì lên tiếng?!

Điều thiết thực hiện tại, nếu cho rằng VPF cần thay đổi và Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại, các CLB phải có công văn chính thức cho chuyện này.

Đừng để bóng đá Việt Nam cứ tranh cãi gây ngao ngán cho người hâm mộ. Đừng để những lời phê phán theo kiểu nói trong lúc bức xúc, giờ là thời điểm các CLB phải quyết liệt thay đổi VPF để không còn rơi vào cảnh tranh cãi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất