Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Bóng đá Thái Lan thất bại là bài học lớn cho 'kỳ tích' U23 Việt Nam!

Có một câu chuyện rất kỳ lạ là hành trình lập kỳ tích ASIAD 18 của U23 Việt Nam rất giống với Thái Lan cách đây bốn năm...

Thái Lan và kỳ tích U23 Việt Nam

U23 Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ khi xếp thứ tư ASIAD 18. Đó là niềm tự hào lớn lao của người hâm mộ khi thầy trò HLV Park Hang Seo đã có mạch 5 trận toàn thắng, không thủng lưới bàn nào trước bán kết ASIAD 18.

Một điều kỳ lạ là Thái Lan cũng từng làm điều tưng tự như U23 Việt Nam ở ASIAD 14. Đó là kỳ Á vận hội mà U23 Việt Nam chỉ vào đến vòng đấu loại, còn Thái Lan đi đến bán kết với 5 trận toàn thắng, không thủng lưới bàn nào. Kết cục, Thái Lan chỉ xếp thứ 4 khi thua ở bán kết và trận tranh HCĐ. Một kết cục giống như U23 Việt Nam ở ASIAD 18.

Chanathip Songkrasi từng đưa Thái Lan đến bán kết ASIAD 14.

Có thể nói, Thái Lan và Việt Nam đã có một hành trình rất giống như ở hai kỳ ASIAD gần nhất. Người Thái tự hào về đội nhà cách đây 4 năm, còn chúng ta đang vui sướng vì thầy trò HLV Park Hang Seo sau thành công vừa qua trên đất Indonesia.

Kiatisak và thất bại của người Thái

Sau thành công ở ASIAD 14, Thái Lan bắt đầu nghĩ đến việc vươn tầm châu lục, xa hơn là giấc mơ World Cup. Có thể hiểu người Thái đã nghĩ có thể tiến xa và hội tụ đủ sức mạnh để vươn ra biển lớn nên cải tiến nền bóng đá.

Trong hành trình thay đổi chiến lược của Thái Lan có điểm nhấn lớn là huyền thoại Kiatisak đã phải chia tay ĐTQG. Người Thái cần một cơn gió mới để nâng tầm đẳng cấp, bay cao hơn sau những gì “Zico Thái” làm được từ AFF Cup, SEA Games và ASIAD.

Thế nhưng, bóng đá Thái Lan đã phải trải cái giá đắt khi liên tiếp thất bại ở VCK U23 châu Á và ASIAD 18. Đó là nỗi đau của bóng đá Thái Lan khi người kế nhiệm không thể tiếp bước thành công của Kiatisak.

Huyền thoại Kiatisak chia tay ĐTQG vì bóng đá Thái Lan muốn bơi xa ở biển lớn.

Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đã sa thải HLV Worrawoot Srimaka nhưng dư luận chưa thể chìm xuống. Báo chí Thái Lan cho rằng chủ tịch FAT ông Somyot Poompunmuang và giám đốc kỹ thuật Witthaya Laohakul cần chịu trách nhiệm cho sự thụt lùi của bóng đá Thái.

Sắp tới, Thái Lan rất có thể bắt đầu lại mọi thứ để thay đổi sau thất bại ở ASIAD 18, cũng như không thể ngồi yên khi nhìn thấy U23 Việt Nam liên tiếp thành công. Đây là điều được dự báo sẽ xảy ra.

Đến bài học cho bóng đá Việt Nam

Thái Lan có giải vô địch quốc gia mạnh hơn so với V.League (giải vô địch quốc gia Việt Nam), có hệ thống đào tạo trẻ đông đảo và hiện đại hơn so với chúng ta. Họ có thành tích từ sân chơi Đông Nam Á đến sân chơi châu lục ổn định hơn so với Việt Nam nếu tính trước năm 2018. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong quá trình nâng tầm bóng đá để bơi ra biển lớn.

Lúc này, U23 Việt Nam liên tiếp tạo nên những kỳ tích nhưng nếu nhìn vào thành công này để vội cho rằng bóng đá Việt Nam đã vươn tầm châu lục, có thể nghĩ đến những điều to tát như giấc mơ World Cup, thì khả năng sẽ dẫn đến câu chuyện đạp lên vết xe đổ như người Thái.

Nhìn từ giải V.League đến hệ thống đào tạo trẻ, thực sự thì chúng ta chưa có một nền tảng có thể nói là mạnh, hay ổn định bền vững. Chúng ta có được một thế hệ vàng U23 Việt Nam là thành quả của cả chục năm làm trẻ từ HAGL đi tiên phong, sau đó có PVF, Hà Nội…

U23 Việt Nam thành công nhưng chúng ta đừng vội ảo tưởng. Ảnh: Đ.Đ

Một nền bóng đá không chỉ dựa vào một lứa cầu thủ ở cấp độ trẻ để nói sẽ vươn ra biển lớn trong tương lai. Người Thái là ví dụ. Họ có những Chanathip Songkrasin, Kroekit Thaweekarn, Adisak Kraisorn… nhưng vẫn không thể bay cao.

Trao đổi với Saostar, HLV Lê Thụy Hải đã phân tích: “Bóng đá Việt Nam đang có thế hệ cầu thủ vàng (U23 Việt Nam) nhưng muốn tiếp nối thành công, phải tiếp tục phát triển mạnh về đào tạo trẻ”.

Đó là một cách nghĩ đúng. Chúng ta cần có thêm những lứa cầu thủ trẻ xuất sắc kế cận lứa U23 Việt Nam khi những Công Phượng, Đức Huy, Bùi Tiến Dũng (trung vệ)… sẽ bước sang tuổi 24. Họ không còn tham dự các giải trẻ nữa, thì cần những nhân tố mới để tiếp tục duy trì. Chỉ khi nào liên tục thành công ở cấp độ trẻ thì bóng đá Việt Nam mới thúc đẩy được nền bóng đá lên tầm cao mới, nâng cấp V.League lẫn tầm nhìn của các CLB. Đây chính là hạt nhân, tiền đề để nghĩ đến tương lai bay cao ở châu lục, xa hơn là được dự World Cup.

Vậy nên, sau thành công U23 Việt Nam thì chúng ta cần hoàn thiện chính nền bóng đá nước nhà, tận dụng hiệu ứng U23 để giải quyết những vấn đề tồn đọng ở VPF, VFF lẫn các CLB đang làm theo kiểu “đốt tiền”, chưa có hệ thống đào tạo trẻ… Đây là điều thiết thực nhất vào lúc này.

Hãy xây được một chân đế lớn trước khi nghĩ đến điều lớn lao hơn trong tương lai, nếu không chúng ta sẽ phí hoài thành công U23 Việt Nam và có thể đạp lên vết xe đổ của Thái Lan cách đây 4 năm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất