Thể thao

Giấc mơ World Cup trong cảnh nhiều CLB nợ tiền cầu thủ, tiềm ẩn nỗi lo lớn

Văn Nhân
Chia sẻ

Chuyện nợ tiền cầu thủ có thể nói đang trong cảnh báo động với bóng đá Việt Nam.

Kể từ năm 2021 đến nay, bóng đá Việt Nam xuất hiện một loạt đội bóng nợ tiền cầu thủ như Cần Thơ, Quảng Ninh, Sài Gòn FC, Phù Đổng, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Thanh Hoá, Khánh Hoà.

Ở mùa này, CLB Khánh Hoà, TPHCM và Thanh Hoá rơi vào cảnh nợ tiền cầu thủ. Đội Khánh Hoà đang xảy ra chuyện các cầu thủ tuyên bố sẽ đình công. CLB Thanh Hoá chậm lương cầu thủ, nợ tiền thưởng vô địch Cúp Quốc gia 2023 và 1 trận thắng ở V.League. CLB TPHCM tạo ra ồn ào vì nợ khoản tiền 15 tỷ đồng, bây giờ mọi thứ đã được xử lý êm xuôi.

Nợ tiền cầu thủ đã ảnh hưởng đến sân chơi chuyên nghiệp như thế nào?

Tháng 10/ 2021, CLB Quảng Ninh chính thức không được tham dự V.League 2022 vì không thể đáp ứng tiêu chí cấp phép của Liên đoàn bóng đá châu Á đề ra. Nói thẳng là CLB Quảng Ninh không còn tiền để chơi sau một loạt chuyện nợ tiền cầu thủ, đình công… Ở mùa bóng 2023, CLB Sài Gòn và Cần Thơ bỏ giải hạng Nhất. Hai năm phải mất ba đội chuyên nghiệp, đó là nỗi đau của bóng đá Việt Nam. Nhưng làm cách nào để thay đổi thì gần như không có lời giải, dù chuyện này kéo dài rất nhiều năm với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Giấc mơ World Cup trong cảnh nhiều CLB nợ tiền cầu thủ, tiềm ẩn nỗi lo lớn Ảnh 1
Bóng đá Quảng Ninh vắng bóng ở sân chơi chuyên nghiệp là nỗi đau cho bóng đá Việt Nam.

Lấy CLB Quảng Ninh làm ví dụ. Đội bóng đất Mỏ nợ tiền cầu thủ kéo dài nhiều mùa vẫn được cấp phép chơi chuyên nghiệp. Hậu quả mấy chục tỷ tiền nợ cầu thủ không được giải quyết, thậm chí có cầu thủ chuyển CLB mới vẫn không thể đòi được tiền. Đây là tiền lệ tạo ra nhiều nỗi lo lớn, bởi không ai bảo vệ quyền lợi cho các cầu thủ. Và không ai dám chắc trong tương lai sẽ còn có thêm những CLB giống Quảng Ninh FC hay không.

Trong những ngày bóng đá Việt Nam đang nói về Olympic và World Cup thời HLV Troussier, mà nhiều cầu thủ Việt Nam vẫn phải đá bóng trong cảnh bị nợ tiền thì tạo ra nghịch lý buồn. Nên nhớ, một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá về giấc mơ World Cup có khả năng thành sự thật hay không, đó là sân chơi chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt Nam liệu có thể bay cao trong cảnh cầu thủ bị nợ tiền, đá bóng trong nỗi lo bị “xù tiền”?

Câu hỏi này có lẽ phải dành cho VFF và VPF, bởi cần có giải pháp để thay đổi thực trạng xấu về chuyện nợ tiền cầu thủ ở sân chơi chuyên nghiệp. Chuyện này có ý nghĩa hơn cả giấc mơ World Cup!
 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất