Thể thao

Chuyện của HLV Shin Tae Yong và cầu thủ nhí HAGL: Fair-play là lựa chọn

Văn Nhân
Chia sẻ

Đoạn video về cầu thủ trẻ của U15 HAGL chọn cách sút ra ngoài dù đối mặt thủ môn đối phương đang gây sốt trên mạng xã hội.

Đó là tình huống diễn ra trong cuộc so tài của U15 HAGL và Bình Định vào hôm 11/7. Bảo Đức đã đối mặt thủ môn Bình Định. Trước cơ hội ghi bàn mười mươi, Bảo Đức đá bóng đi hết đường biên khi thấy một hậu vệ của Bình Định nằm sân.

Pha bóng của Bảo Đức nhận được ngợi khen về tinh thần fair-play. Nhưng trường hợp Bảo Đức sút bóng để ghi bàn thì cũng không thể trách cứ rằng: Em thi đấu thiếu fair-play. 

Fair-play là tinh thần luôn được đề cao trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nhưng đặt trong một trận đấu hoặc một tình huống cụ thể, fair-play là lựa chọn. Ví dụ chúng ta không thể đòi hỏi cầu thủ Bảo Đức phải đá ra ngoài nếu U15 HAGL đang bị Bình Định dẫn bàn, hoặc cuộc so tài là trận đấu quyết định tấm vé đi tiếp.

Đằng sau pha bóng của Bảo Đức có một điều đáng để nói hơn về tinh thần fair-play, đó là môi trường bóng đá tử tế và sự giáo dục cầu thủ của HAGL. Chuyện nuôi dưỡng tốt các cầu thủ trẻ đã tự có ý nghĩa, là sự ươm mầm về những giá trị tốt đẹp trong bóng đá.

Những ngày qua, tinh thần fair-play cũng trở thành chủ đề bàn luận sau khi Indonesia bị loại khỏi U19 Đông Nam Á 2022. Người tạo ra sự tranh luận này là HLV Shin Tae Yong (U19 Indonesia). Ông Shin cho rằng bản thân cảm thấy bị xúc phạm khi Việt Nam và Thái Lan đá thiếu fair-play để loại Indonesia.

Ông Shin Tae Yong tiếp tục "tấn công" Việt Nam và Thái Lan bằng cách đăng video màn trình diễn của hai đội lên tài khoản Instagram cá nhân, kèm lời bình:"Tôi muốn hỏi các CĐV bóng đá, liệu đá như vậy có fair-play không?".

Đó là sự nghịch lý khi động cơ của ông Shin Tae Yong rất thiếu fair-play. Ông đang mượn mạng xã hội để công kích đối thủ. 

Chúng ta thấy rằng, sau thất bại của U19 Indonesia thì HLV Shin Tae Yong có hai sự lựa chọn. Một là ông Shin tìm cách đổ lỗi như sự lựa chọn đã xảy ra. Hai là ông Shin chọn cách chấp nhận thất bại, theo đúng nghĩa tinh thần thắng không kiêu, bại không nản của bóng đá trẻ.

Việt Nam và Thái Lan cũng thế. Hai đội phải chiến đấu để tranh vé vào bán kết. Sau 80 phút kịch tính và nhiều lần lao vào ăn thua, hai đội hòa nhau 1-1, tỷ số này trở thành điều kiện thuận lợi để hai đội đạt mục tiêu vào bán kết. Hai đội có quyền lựa chọn đá như thế nào trong 10 phút cuối để tránh nguy cơ bị loại. Điều đó không liên quan gì đến tinh thần fair-play, không phải xấu xí. Đúng hơn, Việt Nam và Thái Lan phải chọn cách bảo toàn thành quả sau một hành trình nỗ lực hết mình.

Chuyện của HLV Shin Tae Yong và cầu thủ nhí HAGL: Fair-play là lựa chọn Ảnh 1
HLV Shin Tae Yong cay cú ăn thua nhưng nói chuyện fair-play. Ảnh: PSSI

Do đó, tôi không đồng ý với chuyện HLV Shin Tae Yong cố tình "bẻ cong" tinh thần fair-play để bào chữa cho thất bại của U19 Indonesia. Ông Shin muốn nói về tinh thần thể thao cao thượng thì bản thân phải biết cách chấp nhận thất bại, đừng ngụy biện và bôi xấu đối thủ trên mạng xã hội.

Khát khao thành tích trong bóng đá là không sai. Thất vọng sau khi thua cuộc cũng không sai. Nhưng cay cú ăn thua, rồi đổ lỗi cho đối thủ là sự xấu xí. Càng đáng chê khi "mượn" tinh thần fair-play để bao biện cho sự thua cuộc ở một giải đấu trẻ.

Bóng đá cũng như cuộc sống, fair-play hay sự tử tế là lựa chọn, không thể đòi hỏi. Và thật sự rất thất vọng với cách hành xử cùng những phát biểu ông Shin Tae Yong, bởi ông đã lựa chọn cách rời cuộc chơi theo kiểu hèn nhát và đổ lỗi.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất