Mới đây, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự ca sĩ Châu Việt Cường để điều tra vụ một nữ sinh tử vong sau khi sử dụng ma túy.
Châu Việt Cường tên thật là Nguyễn Việt Cường, sinh năm 1978. Ca sĩ này từng học trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội, với khoảng 10 năm theo đuổi niềm đam mê ca hát. Việt Cường có đời tư khá tai tiếng nhưng cũng có một số bài hát được giới trẻ yêu thích. Điển hình như Liều thuốc yêu, Nước mắt tuôn chảy, Bạc trắng tình đời…
Bạc trắng tình đời: “Thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu. Thà là bỏ đi hết, ta chẳng nợ gì nhau. Cho quên đi đớn đau khỏi bận tâm ngày sau…”. Có lẽ là ca khúc được nhiều người biết đến nhiều nhất khi nói về Châu Việt Cường.
Ngoài Châu Việt Cường, Ngọc Trinh cũng xôn xao dư luận vì liên tục khoe ảnh “nóng”. Nhắc đến Ngọc Trinh, phần lớn đều rõ cô nàng này tai tiếng vì các hình ảnh gợi cảm. Trinh còn được biết đến với những phát ngôn kinh điển như “yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn”.
Thế Châu Việt Cường, Ngọc Trinh và V.League 2018 (giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) có gì liên quan?
Chắc chắn chẳng liên quan gì nhau nhưng đó là 3 chìa khóa đang hot và nhiều người tìm kiếm. Hơn hết, “không có tiền cạp đất ăn” và “thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu” cũng đang là vấn đề của V.League 2018 - giải đấu chuẩn bị khai màn nhưng dính lùm xùm về bản quyền truyền hình. Nguyên nhân là VPF mong muốn hướng đến những điều tốt đẹp và kiếm được nhiều tiền thay vì giải đấu sống èo uột như trong mấy năm qua.
Bản quyền truyền hình là giá trị cực kỳ quan trọng đối với các giải vô địch quốc gia. Hai người hàng xóm của V.League là Thai League và giải vô địch quốc gia Malaysia đều gặt được rất nhiều tiền nhờ bản quyền truyền hình được bán với giá cao.
Cụ thể, giải đấu số 1 Malaysia bán cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Telekom Malaysia hợp đồng có thời hạn 8 năm với giá 440 triệu ringgit (2.557 tỷ đồng). Thai League bán cho tập đoàn truyền thông TRUE với giá 2.370 tỷ đồng trong thời hạn 4 năm (2017 - 2020).
Trong khi đó, V.League bắt đầu bán bản quyền truyền hình từ năm 2005 nhưng số tiền thu về để lên hàng trăm tỷ mỗi năm chỉ là giấc mơ của các nhà tổ chức. Thậm chí, có thời điểm giá bản quyền truyền hình của V.League chẳng khác nào tượng trưng với vài tỷ đồng/mùa.
Không có tiền bản quyền truyền hình thì VPF không có doanh thu, không có tiền chia cho các CLB giống như các giải đấu khác. Nói đúng hơn, VPF bây giờ đang rất… nghèo nếu không thay đổi về chuyện tiền bản quyền truyền hình ở V.League.
Đó cũng là lý do VPF hủy hợp đồng bản quyền truyền hình với đối tác trước mùa bóng 2018. Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF - Trần Anh Tú muốn ngồi lại để ký hợp đồng mới, thay vì có nhiều bất cập như các mùa trước.
Cơ hội của VPF bây giờ đang có ở trước mắt là sức hút của U23 Việt Nam, HAGL - “những thỏi nam châm” hứa hẹn mang khán giả đến chật cứng sân ở mùa bóng 2018.
Tuy nhiên, chuyện U23 Việt Nam, HAGL chỉ là “hiện tượng” cho giải đấu còn muốn tốt lên thì V.League phải thay đổi nhiều thứ, làm tốt nhiều việc còn tồn đọng như công tác trọng tài, tạo hình ảnh đẹp cho giải đấu, nâng các chất lượng lẫn tính giải trí ở các trận đấu…
Nói ví von thì VPF bây giờ phải làm theo kiểu “thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu”, bỏ hết những gì bất cập để nâng tầm giải đấu, kéo khán giả đến sân và thu hút được nhiều nhà tài trợ.
Tóm lại, tất cả cũng chung quy về chữ TIỀN. Vì phải có tiền thì mới có thể thực hiện được những điều kể trên. Tiền bây giờ kiếm ở đâu cho VPF khi “đỏ mắt” mới tìm được nhà tài chính vừa được công bố? Đó là bản quyền truyền hình của giải đấu.
Hy vọng, VPF khi quyết định làm liều huỷ hợp đồng với đối tác truyền hình trước đây, sẽ không phải “Nước mắt tuôn chảy” giống như bài hát của ca sĩ Châu Việt Cường. Và lúc đó, nếu không có tiền bản quyền truyền hình, liệu VPF có rơi vào hoàn cảnh như Ngọc Trinh từng nói “yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn”?.
Giờ hãy chờ xem VPF có tìm được bản quyền truyền hình có giá trị lớn hơn và thay đổi như thế nào?!