Món quà này xuất phát từ chia sẻ của Trang sau khi giành HCV SEA Games 31 với tư thế “người mở hàng” cho thể thao Việt Nam. Trang nói muốn giành tiền thưởng SEA Games đưa gia đình đi du lịch, còn mong ước lớn nhất bây giờ là được về với bố mẹ.
“Con chỉ mong bố không bị làm sao là con vui ạ”, Tô Thị Trang rưng rưng nước mắt nói trong khắc vinh quang của cuộc đời.
Trang cũng không quên nhắn nhủ đến bố trên trang cá nhân rằng: “Con chiến thắng rồi. Người ấy cũng mạnh mẽ chiến thắng nha”.
Dù vậy, niềm mong ước của Trang mãi mãi không thể thành hiện thực, bởi bố nhà vô địch SEA Games 31 đã ra đi. Trang biết tin mất bố sau thời khắc giành HCV - đó là nỗi đau quá lớn không thể nói thành lời, khi gia đình nén nỗi đau và giấu con gái để hoàn thành trách nhiệm với thể thao Việt Nam.
Tô Thị Trang sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đông Anh (Hà Nội). Bố mẹ Trang làm nghề nông nên mỗi ngày đều “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trang là niềm hy vọng của gia đình khi có niềm đam mê dành cho môn Judo, sau đó chuyển qua môn kurash.
Trong những ngày Trang tập trung tập luyện cùng đội kurash thì không thể về thăm bố. Nghĩ đến đây thì tin rằng nhiều người cảm thấy khoé mắt mình cay cay. Khi tấm huy chương vàng của Trang không chỉ đánh đổi bằng sự nỗ lực mỗi ngày mà còn nén đau thương, cố gắng từng phút để thi đấu xong SEA Games về với bố. Nhưng ngày trở về thì Trang không thể khoe HCV với người bố yêu quý.
Ông trời thật trêu ngươi khi ngày Tô Thị Trang giành HCV thì bố ra đi. Ông mãi mãi không được chứng kiến khoảnh khắc con gái bước lên bục vinh quang và trở thành niềm tự hào của thể thao Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng tấm huy chương vàng của Tô Thị Trang thật trân quý. Nó là tấm huy chương của tình cha con, là “vàng” để thấy được sự hy sinh của VĐV theo nghiệp thể thao. Bởi nhiều khi phải đánh đổi bằng nước mắt và nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời.
Chúng ta đã nợ Trang một lời cảm ơn, bởi cô gái 23 tuổi chịu mất mát quá lớn trong hành trình giành HCV cho thể thao Việt Nam!