Thiếu một kế hoạch dài hơi
Đây là đặc điểm chung nhất về Mourinho nếu nhìn vào tất cả những đội bóng ông dẫn dắt. “Người đặc biệt” chỉ giỏi dùng nguồn lực tài chính dồi dào từ các CLB để mua về các cầu thủ giỏi. Mourinho chẳng tạo ra bất cứ dấu ấn nào ở công tác đào tạo trẻ.
Những cầu thủ trẻ thành danh trong đội hình Mourinho thường được mua về hoặc do những người tiền nhiệm để lại. Vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha chỉ nâng cấp chất lượng đội bóng bằng các vụ chuyển nhượng.
Chính điều này phần nào tạo ra nhiều khó khăn cho các đội bóng trên con đường phát triển dài hơi. Để gây dựng được một triều đại vững chắc, nhiều HLV vĩ đại thường dựa trên nền tảng những cầu thủ trẻ dạng “cây nhà lá vườn” bằng cách trao cho họ nhiều cơ hội ra sân.
Cựu HLV Sir Alex Ferguson từng giúp MU giành cú ăn ba vĩ đại năm 1999 và thống trị nước Anh suốt bằng thế hệ vàng 1992 trưởng thành từ lò đào tạo trẻ CLB. Những gương mặt đó gồm: Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt, Ryan Giggs, anh em nhà Neville.
Pep Guardiola làm nên thập kỷ thống trị của Barca tại châu Âu với 2 chức vô địch Champions League trong vòng 4 năm. Thành công đến nhờ lứa cầu thủ lò đào tạo La Masia trứ danh như: Xavi, Iniesta, Puyol, Messi, Busquets, Pedro, Victor Valdes.
Mới đây nhất, HLV Zinedine Zidane cùng Real Madrid giành 3 chức vô địch Champions League liên tiếp. Những Morata, Carvajal, Nacho Fernandez, Lucas Vazquez của lò Castilla trở thành hạt nhân quan trọng suốt triều đại Zizou.
Việc xây dựng đội hình nhờ vào những tài năng trẻ giúp các đội bóng có nền tảng vững chắc trong nhiều mùa bón cũng như tạo ra tính ổn định giữa những thời điểm khó khăn nhất. Mourinho hoàn toàn chưa làm nổi điều này. Vì vậy, những đội bóng ông từng kinh qua gần như thiếu tính ổn định và nhanh chóng thành đống đổ nát thời hậu Mourinho.
Mâu thuẫn tột độ với Ed Woodward
Nhìn vào những chặng đường đã đi qua của Mourinho, người ta dễ dàng nhận thấy “người đặc biệt” thường xuyên gây hấn với những người phụ trách công tác chuyển nhượng tại đội bóng. Lần đầu tiên nắm quyền ở Chelsea, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha từng tỏ ra khó chịu trước việc can thiệp vào vấn đề chuyên môn quá sâu từ Avram Grant.
Mourinho còn lên tiếng mỉa mai ngài chủ tịch Roman Abramovich chẳng biết tí gì về bóng đá. Quá tức giận bởi sự xấc xược đó, ông chủ người Nga lập tức sa thải “người đặc biệt”. Chưa hết, sang Real Madrid, chiến lược gia này tiếp tục gây chiến với Tổng giám đốc Jorge Valdano. Phần thắng sau đó thuộc về Mourinho nhưng nó làm nội bộ CLB Real Madrid càng ngày càng lục đục hơn.
Đến giờ, Mourinho và Phó chủ tịch M.U, Ed Woodward đang chẳng ưa gì nhau. “Người đặc biệt” bất mãn trước việc Ed Woodward không đáp ứng yêu cầu chi tiền nhằm tăng cường lực lượng. Mourinho đòi mua thêm 2 cầu thủ nữa trong khi ngài Phó chủ tịch M.U bắt phải bán bớt cầu thủ đi trước khi tính đến chuyện đem về thêm các tân binh.
Sự bất đồng liên quan đến vấn đề chuyển nhượng làm tình hình nội bộ M.U trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Xét về mặt cân đối tài chính, Ed Woodward là người rất được lòng những ông chủ người Mỹ. Liệu rằng, nhà Glazer sẽ lựa chọn Ed Woodward hay Mourinho ?
Nhìn vào quá khứ, không khó nhận ra những David Moyes cùng Louis Van Gaal cũng chẳng ưa gì Ed Woodward nhưng chính họ mới bị bay ghế. Với bản tính đề cao những món lợi về tài chính, nhiều khả năng những ông chủ người Mỹ thà để mất Mourinho chứ đời nào chịu để vị Phó chủ tịch M.U ra đi.
Hội chứng mùa thứ ba
Mourinho rất tài năng tuy nhiên nhìn vào quá khứ “người đặc biệt”, nhiều người không khỏi giật mình về cái dớp dành cho ông. Triều đại HLV Jose Mourinho ở các CLB từng dẫn dắt chưa bao giờ tồn tại quá 3 mùa giải.
Trừ 2 lần chủ động ra đi tại CLB Porto và Inter Milan, còn lại Mourinho thường bị ban lãnh đạo sa thải vào mùa giải thứ ba. Sở dĩ những đội bóng nhà cầm quân người Bồ Đào Nha dẫn dắt sa sút trầm trọng khi bước sang mùa giải thứ ba bởi nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Mourinho rất khó yên vị một chỗ. Hơn nữa, người ta nhận thấy một điều, các đội bóng “người đặc biệt” dẫn dắt thiếu tính ổn định sau một khoảng thời gian dài. Ngoài phong độ bết bát, sự mất kiểm soát nơi phòng thay đồ cũng trở thành nguyên nhân cơ bản khiến Mourinho thường mất ghế. Đáng buồn ở chỗ, các ông chủ thường dung túng các cầu thủ gây ra nổi loạn.
Lần đầu tiên dẫn dắt Chelsea, Mourinho đã giúp đội bóng giành 2 chức vô địch giải ngoại hạng Anh. Những tưởng triều đại Mourinho còn kéo dài thì đến mùa giải 2006-2007, “người đặc biệt” bắt đầu mất kiểm soát nơi phòng thay đồ.
Mourinho gây hấn với Andriy Shevchenko, cầu thủ con cưng của ngài chủ tịch Roman Abramovich. Vốn có tiếng nói trong phòng thay đồ ngày ấy, Shevchenko góp phần khiến ông thầy bật bãi.
Kịch bản lục đục nơi phòng thay đồ lại tái diễn trong thời gian Jose Mourinho nắm quyền tại CLB Real Madrid. Sau 2 mùa giải yên vị, “người đặc biệt” bắt đầu để các cầu thủ “nhờn”. Ông xích mích với Sergio Ramos cùng Iker Casillas.
Ngài chủ tịch Florentino Perez lại đi dung túng các kiêu binh này. Kể từ đó trở đi, Mourinho mất dần vai trò trong phòng thay đồ dẫn đến những kết quả bết bát khiến ông bị sa thải.
Trở lại Chelsea lần thứ hai, Mourinho tự xưng là “người hạnh phúc”. Dù vậy, hạnh phúc ấy chỉ tồn tại quá ngắn ngủi. Chưa đầy 1 năm sau ngày giúp The Blues lên ngôi vô địch giải ngoại hạng Anh, Mourinho sớm bị tống cổ. Nguyên nhân chủ yếu lại tiếp tục đến từ phòng thay đồ. Lần này, “người đặc biệt” chót đắc tội với John Terry, người đội trưởng mang tầm ảnh hưởng nhất đội bóng.
Thời điểm này, mầm mống nổi loạn đang nhen nhóm ở M.U khi những Anthony Martial hay Paul Pogba chẳng hề coi trọng ông thầy. Martial về Pháp không thèm xin phép còn Pogba phớt lờ mọi sự thỉnh cầu từ Mourinho liên quan đến việc sớm trở lại đội bóng.
Nhìn vào những sức ép cũng như những điều rắc rối hiện hữu xung quanh nhà cầm quân người Bồ Đào Nha, thật khó để tin vào việc ông sẽ tại vị trong mùa giải thứ ba ở sân Old Trafford.