Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, một số ý kiến cho rằng chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Còn có ý kiến khác đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng) nêu quan điểm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.
Để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục Đại học và Giáo dục Nghề nghiệp.
Liên quan đến vấn đề, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cách tổ chức thi vừa qua cần xem lại cho hợp lý bởi tỷ lệ đỗ quá cao, có địa phương đạt 99%.
Thời gian qua, việc tổ chức thi “2 trong 1” THPT xảy ra nhiều tiêu cực, được dư luận quan tâm, thống nhất quy định vẫn có thi THPT nhưng ĐB đề xuất cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu thời gian sau, tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi THPT, chỉ cấp bằng THPT có điều kiện cụ thể để giảm chi ngân sách nhà nước vì kỳ thi rất tốn kém.
Cũng theo ông Hòa, nên tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, những học sinh trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích và năng lực. Từ đó chất lượng đầu vào ĐH nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội.