Huệ Nguyễn có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1999, ở Đông Anh, Hà Nội, sinh viên lớp Y4F, chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam). Hình ảnh trên được người bạn của Huệ chụp lại khi cô đang làm nhiệm vụ ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Được biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang, Huệ Nguyễn đã trở về Hà Nội và cách ly đủ 21 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Vừa hết cách ly, cô gái nhỏ nhắn ấy lại tiếp cùng 238 sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lại tiếp tục lên đường chi viện chống dịch ở TP.HCM.
Liên tục xa gia đình để thực hiện nhiệm vụ cao cả, Huệ không tránh khỏi những cảm xúc nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Để vơi đi những cảm xúc ấy, mới đây, Huệ đã viết một bức thư gửi mẹ như một lời tâm sự, gửi về gia đình trong khoảnh khắc nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.
Theo VTC News, đầu thư, nữ sinh viết: "Gửi mẹ thân yêu! Chắc đọc thư này mẹ lạ lắm phải không ạ, bởi ngày nào xong việc, con chẳng gọi về nhà báo cáo tình hình công việc trong ngày. Những ngày xa nhà con mới biết, gọi điện thoại về cũng là một áp lực.
Con muốn kể mẹ nghe về ngày hôm ấy, ngày mà công chúa của mẹ khóc nhè. Hôm ấy con được phân công gọi điện thoại thông báo cho những người dương tính SARS-CoV-2. Khi nghe những giọng nói run run ấy, con không sao cầm lòng nổi. Khoảnh khắc này khiến con nghẹn mãi ở cổ".
Trong những ngày chi viện cho tâm dịch TP.HCM, Huệ và các bạn có nhiều kỷ niệm đặc biệt và khó quên, trong đó có lần cô chứng kiến hai thẻ test dương tính với SARS-CoV-2 của đồng nghiệp. Họ là nhân viên y tế của địa phương lân cận tình nguyện vào tâm dịch, vẫn sát cánh, đồng hành với Huệ trong những ngày chiến đấu với dịch bệnh ở TP.HCM.
Một hình ảnh khác khiến nữ sinh năm cuối Học viện Y Dược học cổ truyền nhớ mãi là đôi mắt rưng rưng nước mắt của nam bệnh nhân khi nhận kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Anh khóc vì lo sợ khi mình phải cách ly điều trị, đứa con nhỏ 7 tháng tuổi ở nhà chưa biết nhờ ai trông.
Những khoảnh khắc đó khiến Huệ và các bạn tình nguyện viên có thêm động lực làm việc, trách nhiệm hơn nữa để giúp người bệnh, cộng đồng sớm thoát khỏi đại dịch này.
"Đợt tình nguyện trước, mọi người biết đến con là cô gái độc thân, lạc quan giữa tâm dịch. Trong vô vàn khoảnh khắc vui tươi cũng có những lúc con yếu lòng. Nhưng con nghĩ, mặc dù rất vất vả trong những ngày này nhưng chúng con phải có trách nhiệm tạo ra năng lượng tích cực vì một bác sĩ thành công là chữa lành cả thể lực và trí lực cho người bệnh, đúng không mẹ?", Huệ viết trong thư.
Chia sẻ với Dân Trí, Huệ cho biết, khi vào tới tâm dịch TP.HCM, đoàn hỗ trợ được chia ra các nhóm nhỏ để về các địa phương. Đoàn của cô có 24 người, chia về trạm y tế, cứ 4 người một trạm.
"Tình cảm của các anh chị địa phương rất tuyệt vời. Em được phân công ở tại Trạm Y tế Tân Hưng Thuận (quận 12, TP. Hồ Chí Minh). Công việc khá vất vả, có những ngày không có thẻ test nhanh nào âm tính khiến chúng em khá lo lắng, áp lực.
Tuy nhiên, ai nấy đều động viên nhau cố gắng hơn nữa lan tỏa tinh thần lạc quan, đúng tinh thần của người làm công tác tình nguyện", Huệ nói.
Chia sẻ thêm về mẹ, Huệ cho hay: "Cả hai lần đi tình nguyện vào tâm dịch, mẹ em đều khóc. Thế nhưng gia đình vẫn ủng hộ quyết định của con gái.
Hàng ngày em vẫn gọi điện về nhà để gia đình đỡ lo, đồng thời cũng chia sẻ công việc hàng ngày ở trong này.
Thời tiết ở đây không quá nắng nóng như đợt ở Bắc Giang nên chúng em thấy đỡ hơn khi mặc đồ bảo hộ".