Theo Vietnamnet, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã quyết định phương án đảm bảo quyền lợi tối đa cho các thí sinh. Cụ thể, đảm bảo có thêm phương án đáp án chấm với những thí sinh có viết dấu "-" trước phương trình thứ nhất của bài toán.
Do đó, với tình huống này, trong quá trình chấm thi, Sở GD&ĐT sẽ công nhận 2 đáp án cho ý 1 câu 3 về hệ phương trình.
Đáp án thứ nhất dành cho các thí sinh làm bài thi bình thường. Đáp án thứ hai dành cho các thí sinh coi vệt mờ đứt đoạn trên đề thi là dấu trừ.
Thí sinh làm đúng 1 trong 2 trường hợp này, đều sẽ được tính điểm.
"Nếu thí sinh làm theo hướng có dấu "-" trước phương trình mà trình bày cách giải đúng vẫn được cho điểm tối đa là 1 điểm cho ý này", nguồn tin dẫn lời đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin.
TTXVN dẫn thông tin từ ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi kết thúc thời gian thi môn Toán, Sở mới nhận được thông tin phản hồi về đề thi môn toán bị mờ.
Sở GD&ĐT đã làm việc với Hội đồng ra đề, rà soát, đối chiếu với bản gốc và bản sao, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội không sai sót nội dung nhưng trong quá trình in sao hơn 100.000 đề thi, một số đề thi bị in đứt quãng, không liền mạch ở dấu gạch ngang phân số khiến học sinh hiểu nhầm là dấu (-).
Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, Sở GD&ĐT đưa ra phương án xử lý, là có đáp án bổ sung trong trường hợp thí sinh bị làm nhầm có dấu (-) phía trước và giải ra đáp số thì vẫn có điểm như bình thường.
Hướng bổ sung đáp án này nhằm đem lại quyền lợi cho các thí sinh làm bài do hiểu nhầm. Trường hợp thí sinh làm bài theo phương án hiểu nhầm có dấu (-) phía trước, các em vẫn được điểm tối đa ở câu này.
Trước đó, sau khi kết thúc buổi thi môn Toán vào lớp 10 Hà Nội năm 2023, nhiều phụ huynh và học sinh phản ánh đề thi mắc lỗi in ấn ở câu giải hệ phương trình, khiến học sinh hiểu nhầm và làm sai.
Cụ thể, ở đề thi môn Toán, tại ý 1 câu III, đề bài yêu cầu thí sinh giải hệ phương trình.
Tuy nhiên, ở một số đề thi, do mực in không rõ nên dấu gạch ngang ở phương trình thứ nhất bị đứt quãng, không liền mạch, khiến nhiều học sinh lầm tưởng là có dấu (-) ở phía trước.
Theo đó, thay vì 2/(x-3), nhiều học sinh đã nhầm thành -2/(x-3), từ đó giải ra kết quả sai.
Đình chỉ hoạt động giảng dạy của giáo viên bị tố quấy rối nữ sinh
Các phụ huynh có con bị hiểu nhầm vì lỗi in ấn không hài lòng khi cho rằng đề thi của một kỳ thi quan trọng khiến học sinh hiểu nhầm là khó chấp nhận và mong Sở GD&ĐT có phương án xem xét.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể nhận ra đây là lỗi in ấn rõ ràng và một phần lỗi cũng đến từ chính các học sinh khi không hỏi lại chính cán bộ coi thi.
Một số phụ huynh lại cho rằng các học sinh ở trong phòng thi chịu áp lực về tâm lý nên việc đọc và hiểu nhầm thành dấu "-" cũng là điều dễ hiểu.