Theo ông Hồ Tấn Minh, Nghị định 86 của Chính phủ đã hết hiệu lực nên Thành phố bắt buộc phải thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ về lộ trình tăng học phí.
Theo đó, trước đây, học phí tại TP.HCM vẫn được thu theo Nghị định 86, thế nhưng nghị định này đã hết hiệu lực vào năm 2020. Ngày 27/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo) và bắt đầu thực hiện từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm học 2021 – 2022, được sự đồng ý của HĐND, UBND, ngành giáo dục TP.HCM vẫn thu học phí và hỗ trợ học phí theo mức học phí trước đây.
"Như trước đây, đối với Nghị định 86 của Chính phủ, TP.HCM áp dụng mức học phí thấp nhất và bây giờ đối với Nghị định 81, TP Hồ Chí Minh cũng trình UBND TP.HCM mức học phí thấp nhất", ông Hồ Tấn Minh cho biết thêm.
Theo đó, Nghị định 81 của Chính phủ quy định khung học phí cho năm học 2022 - 2023 ở bậc Mầm non thành thị từ 300.000 - 540.000 đồng/tháng/học sinh; bậc THCS và THPT ở thành thị từ 300.000 - 650.000 đồng/tháng/học sinh.
Ông Hồ Tấn Minh lý giải thêm: "Trong 6 năm liên tục, Thành phố không tăng học phí và duy trì ở mức thấp nhất nên khi được điều chỉnh theo Nghị định 81, dù ở mức thấp nhất, nhưng mức học phí vẫn tăng gấp 5 lần ở THCS và 2 lần đối với THPT. Chẳng hạn như ở khối THCS, từ mức 60.000 đồng/học sinh/tháng đã tăng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng".
“Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản hướng dẫn lộ trình miễn giảm học phí cho khối THCS như thế nào nhưng ngành giáo dục Thành phố vẫn tiếp tục gửi Tờ trình đến UBND và HĐND TP.HCM miễn giảm học phí cho học sinh khối THCS”, ông Hồ Tấn Minh nói.
Trước những thắc mắc về việc học phí tăng thì có đi đôi với chất lượng giáo dục hay không, ông Hồ Tấn Minh cho rằng, học phí chỉ là một phần kinh phí rất nhỏ để bù vào các khoản cho nhà trường tổ chức các hoạt động tăng cường thêm cho học sinh và hàng năm, Thành phố đều có nguồn ngân sách để cung cấp cho ngành giáo dục.
“Trong 6 năm học phí không tăng nhưng chất lượng giáo dục của Thành phố luôn luôn tăng. Vệc tăng chất lượng giáo dục của Thành phố là nhiệm vụ chính trị chứ không liên quan đến học phí. Tăng học phí hay không thì chất lượng giáo dục vẫn phải đảm bảo ở mức cao nhất có thể. Quan điểm của ngành giáo dục Thành phố là làm sao để học sinh đạt được năng lực, phẩm chất theo yêu cầu”, ông Hồ Tấn Minh nói.