Về nguyên nhân gần 292.000 thí sinh từ chối cơ hội xét tuyển vào ĐH, trả lời báo Người Lao Động, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân có thể kể đến như điều kiện kinh tế khó khăn nên học sinh không học ĐH; chọn con đường học nghề để nhanh ra trường có việc làm và thu nhập.
"Một số khác rất đông đi làm luôn tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI... Cũng không ít học sinh làm kinh tế hộ gia đình, ngoài ra một số ít đi du học" - TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay.
TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định gần 292.000 học sinh từ chối cơ hội xét tuyển vào ĐH cũng là cơ hội cho các trường nghề tuyển các em.
Trao đổi với báo Lao Động, em Lê Ngọc Ánh - học sinh Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) - một trong số hơn 300.000 thí sinh không đăng kí bất kỳ nguyện vọng xét tuyển đại học nào, cho biết, em sẽ học tiếng để đi xuất khẩu lao động. Lựa chọn này của Ánh là mong ước được “đổi đời” vì gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.
"Từ bỏ đăng ký xét tuyển vào đại học hoàn toàn do em quyết định và.không chịu bất cứ sự tác động nào từ gia đình, thầy cô hay bạn bè. Em nghĩ, chỉ có xuất khẩu lao động mới có thể giúp em thoát nghèo và chia sẻ gánh nặng kinh tế với mẹ” - Ngọc Ánh bộc bạch.
Mặc dù được đánh giá là học sinh giỏi, năm nào cũng nhận được học bổng hỗ trợ từ nhà trường, Ngọc Ánh chấp nhận từ bỏ con đường vào học đại học. Em xác định, học đại học thì không thể chi trả số tiền học phí cũng như sinh hoạt hàng tháng.
“Em là người không ngại vất vả, đi xuất khẩu lao động cũng là cách kiếm tiền chân chính đồng thời còn đỡ đần được mẹ và các em. Thay vì cứ cố chấp học đại học theo mong muốn bản thân mà mọi người phải chạy vạy khắp nơi thì em sẽ chọn đi xuất khẩu lao động. Em dự tính đi xuất khẩu lao động 4 - 5 năm rồi sau đó trở về xin một công việc gần nhà để làm” - Ngọc Ánh nói.
Cũng từ chối bước vào cánh cổng trường đại học, em Trịnh Thuỳ Linh - học sinh Trường THPT C Bình Lục (Hà Nam) cũng lựa chọn con đường du học theo hệ vừa học vừa làm. Lý do em đưa ra, một phần là nhìn vào thực tế nhiều anh chị khoá trước tốt nghiệp đại học ra khó xin việc. Phần nữa, là nữ sinh đánh giá, năng lực học tập của mình không quá nổi trội, khó có cơ hội thi đỗ vào các trường đại học top đầu. Với các trường đại học tầm trung, cơ hội việc làm lại càng khó khăn hơn.
“Các trường đại học danh tiếng thì em không thi được. Còn nếu chỉ muốn học đại học ở các trường loại khá thì điều đó đơn giản. Nhưng học xong mà không xin được việc thì rất phí phạm công sức và tiền bạc. Do đó, em đã quyết định học tiếng để đi du học” - Thuỳ Linh bày tỏ.