Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh, liệu có phù hợp?

Vấn đề này vẫn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi một số người cho rằng không thể thiếu mốn Sinh trong tuyển sinh ngành Y khoa, trong khi nhiều người lại cho rằng đó là điều bình thường, vì nếu học sinh có nền tảng tư duy logic tốt thì có thể học và tiếp thu tốt lượng kiến thức khổng lồ của ngành này.

Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh liệu có phù hợp? Ảnh 1
 Nhiều trường Đại học đã mở rộng xét tuyển ngành Y khoa bằng các tổ hợp môn không có môn Sinh, tạo nhiều cơ hội cho thí sinh ứng tuyển. Ảnh minh họa

Mới đây nhiều trường Đại học đã mở rộng xét tuyển ngành Y khoa bằng các tổ hợp môn không có môn Sinh thay vì xét tuyển khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) truyền thống.

Các trường tuyển sinh ngành Y không có môn sinh bao gồm:

1. Trường Đại học Y Dược Thái Bình: B00, B08 (Toán, Sinh, Tiếng anh) và D07 (Toán, Hóa, Tiếng anh).

2. Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên cũng tuyển sinh với ba tổ hợp tương tự Y Dược Thái Bình.

3. Đại học Kinh doanh và Công nghệ A00 (Toán, Lý, Hóa)

4. Đại học Đại Nam A00, A01 (Toán, Lý, Anh)

5. Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) (A00)

6. Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Tphcm) (A00, D07)

7. Đại học Nam Cần Thơ (D07)

8. Đại học Trà Vinh (A00)

9. Đại học Tân Tạo (Long An) (A00, D07)

10. Đại học Y Dược Hải Phòng (A00) và ngành Dược Học (D07).

11. Đại học Y tế Công cộng xét tuyển ngành Y tế công cộng với tổ hợp (D01).

 Ngoài ra ngành Dược học tại Đại học Đà Nẵng cũng đang dự kiến tuyển sinh tổ hợp (A00, D07).

Xét tuyển ngành Y khoa không có môn Sinh học liệu có phù hợp?

Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh liệu có phù hợp? Ảnh 2
Vấn đề này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa

Vấn đề này vẫn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi một số người cho rằng không thể thiếu mốn Sinh trong tuyển sinh ngành Y khoa, trong khi nhiều người lại cho rằng đó là điều bình thường, vì nếu học sinh có nền tảng tư duy logic tốt thì có thể học và tiếp thu tốt lượng kiến thức khổng lồ của ngành này.

Trước việc một số trường đại học tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học, trao đổi với Dân Việt, bác sĩ Hoàng Huy Toàn, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Bỏng và Phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y Kirov (Saint Petersburg, Nga) cho biết, thực ra đây là thông tin không mới.

"Ở Việt Nam có trường tuyển sinh bác sĩ đa khoa cả khối A (không có môn Sinh - PV) và khối B lâu rồi, chẳng qua ít người để ý. Tôi đồng ý có kiến thức Sinh học sẽ là nền tảng cho việc học Y, nhưng chỉ là 1 nền tảng cực kì nhỏ. Vì trong chương trình học cấp 3, môn Sinh sẽ được dạy gồm sinh học thực vật, sinh học động vật, sinh học di truyền, sinh học tế bào,... Khi vào trường Y, có lẽ chỉ "vận" đến kiến thức sinh học tế bào và di truyền.

Môn Sinh trong trường Y được dạy ở năm 1 để làm cơ sở phát triển các môn y học cơ sở những năm sau (như là sinh lý, hóa sinh, mô phôi...), trong đó, những kiến thức cơ bản được học ở cấp 3 so với khối lượng kiến thức đồ sộ và chuyên sâu ở trường Y không là gì, phải học từ đầu hết. Tất nhiên bạn nào có kiến thức tốt về môn Sinh thì có thể tiếp thu nhanh hơn, thi qua môn dễ hơn, nhưng Sinh chỉ là 1 trong rất nhiều môn cần phải học, phải thi.

Dù là học sinh giỏi Sinh và được tuyển thẳng vào Học viện Quân y (của Việt Nam – PV) nhưng khi  học ở trường, anh vẫn phải học môn Sinh một cách nghiêm túc. Bên cạnh khối lượng kiến thức khổng lồ sau các năm học, thì môn Sinh "chỉ như một hạt cát".

Ngoài ra, PGS.TS Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng chia sẻ với báo chí rằng việc thiếu môn Sinh học trong tuyển sinh Y khoa là không quá quan trọng.

Trường sử dụng thêm hai tổ hợp chứa môn tiếng Anh, D07, B08 và ưu tiên cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL vì nhận thấy tầm quan trọng của Tiếng Anh trong lĩnh vực Y Dược, nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu xã hội. 

Thêm vào đó, mỗi tổ hợp, trường đảm bảo giữ lại 2/3 số môn theo tổ hợp gốc, để thí sinh không bị sốc hay trở tay không kịp, ảnh hưởng đến kế hoạch ôn tập. Việc mở rộng xét tuyển có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh, song đó cũng giúp chúng ta tuyển chọn được những thí sinh phù hợp hơn.

Theo ông Bình, chương trình học ngành Y hiện đã đổi mới, không còn môn Sinh học ở bậc đại học mà thành module kết hợp. Tại Đại học Y Dược Thái Bình, module này được gọi là Khoa học cơ bản. 

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) cho rằng, thí sinh tốt nghiệp THPT đã có kiến thức cơ bản về Sinh học, việc học tốt môn Sinh học ở bậc phổ thông thì không có nghĩa khi học ngành y sinh viên đó sẽ học tốt. Điều quan trọng là cần có kiến thức cơ bản tốt, tư duy khoa học. 

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, PGS.TS Phạm Đăng Diệu, thành viên Hội đồng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng chia sẻ đây không phải vấn đề lớn vì kiến thức môn Sinh ở THPT chỉ ở mức căn bản trong khi ở bậc đại học sẽ được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu. Nếu thí sinh có nền tảng tư duy toán, logic tốt, có thể học tốt kiến thức Sinh học bậc cao.

Ông Diệu cũng chia sẻ rằng các trường Đại học cần chú trọng tiếng anh vì cho rằng sinh viên giỏi môn này có lợi thế hơn khi có thể đọc được sách, báo khoa học nước ngoài.

Trong khi đó, một số lãnh đạo trường Y khác cho rằng, việc không tuyển sinh đầu vào môn Sinh học vào ngành Y là chưa phù hợp, không thể vội vàng thay thế hoặc không tuyển sinh khối ngành có môn Sinh học một cách đặc thù.

Cụ thể, một lãnh đạo khoa Y của một trường Đại học cho biết “Đồng ý là môn Sinh bậc THPT chỉ là kiến thức phổ thông, khác xa kiến thức chuyên ngành ở đại học. Nhưng những hiểu biết này là nền tảng, tạo tiền đề để học tốt, không hề vô ích nếu đưa vào điều kiện đầu vào".

Chia sẻ với báo VnExpress, PGS.TS Phùng Minh Lương, Trưởng khoa Y, Đại học Tây Nguyên cũng đồng tình phải có môn Sinh, bởi bác sĩ là người chẩn đoán, điều trị, tức làm việc trực tiếp đến cơ thể con người. Đưa môn học này vào tuyển sinh thì khả năng tuyển được thí sinh giỏi, phù hợp sẽ cao hơn.

Ở góc nhìn của giáo viên phổ thông, thầy Đinh Đức Hiền, giảng dạy Toán - Sinh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), cho rằng môn Sinh là cần thiết với ngành Y.

Việc đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT là dựa vào các tổ hợp môn mà các em thích và làm bài tốt nhất, do đó nếu không chọn tổ hợp có môn Sinh để thi, nhiều khả năng các em không thích hoặc không học tốt môn này. Học Y khoa không phải trong bốn năm như các ngành khác mà kéo dài sáu năm, thậm chí lâu hơn nữa. Nếu không có sẵn nền tảng Sinh học từ bậc THPT hoặc chí ít là niềm đam mê với môn này, sinh viên sẽ rất chật vật ở bậc đại học.

Theo thầy Hiển, việc mở rộng đầu vào bằng cách tăng tổ hợp xét tuyển sẽ giúp đại học dễ tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng lâu dài khó đảm bảo chất lượng.

Ông Đinh Đức Hiền – giáo viên Sinh học tại Hà Nội, chia sẻ với báo Lao Động, ngành Y là một ngành đặc thù, không phải ngành nghề để đào tạo đại trà. Cùng với đó, để bước chân vào ngôi trường Đại học Y thì học sinh phải là những người rất xuất sắc, điểm chuẩn vào Đại học Y vốn cũng rất cao.

Theo ông Hiền, để thành công tại bất kì ngành nghề nào thì đều cần có tư duy, điều này là không sai nhưng tư duy thôi là chưa đủ, vì ngành Y là ngành đào tạo rất dài, phải nói là rất vất vả trong học tập nên chí ít cần có một tình yêu nhỏ dành cho nó, để nuôi dưỡng ý chí, tạo động lực theo đuổi, những học sinh có niềm yêu thích với môn Sinh học sẽ có lợi thế hơn, và phù hợp hơn với ngành Y.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc