Nhưng câu chuyện mà Fanpage ĐH Stanford chia sẻ lần này, lại nói về câu chuyện vượt qua nỗi sợ đám đông của cô. Nguyên văn như sau:
“Xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam, được học Đại học Stanford là ước mơ quá xa vời đối với tôi lúc đó. Nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ sẽ có ngày mình được ngồi trong giảng đường nơi đây. Nhưng tôi vẫn nộp đơn vào trường dù với hy vọng rất nhỏ nhoi, và lần đầu tiên tôi bị từ chối. Sau đó, tôi quyết định xốc lại đời mình qua những chuyến đi khắp năm châu, dù vấn đề kinh tế khi ấy của tôi khá là hạn hẹp. Rồi tôi bắt đầu tập viết, viết về những nơi đã đi qua, những người đã gặp, những kinh nghiệm phượt để kiếm tiền. Tôi dành 3 năm để đi du lịch, sau khi chuyến đi kết thúc tôi xuất bản liên tiếp hai cuốn sách của mình, và nộp đơn vào Stanford lần hai. May mắn đã mỉm cười với tôi, hồ sơ của tôi được chấp nhận.
Là một sinh viên quốc tế, tôi luôn sợ phải nói trước đám đông vì tôi lo lắng rằng không ai có thể hiểu được mình đang nói gì. Tôi chưa bao giờ học tiếng Anh một cách bài bản, tôi chỉ học nó thông qua những người tôi gặp trong các chuyến đi. Khóa học Phát biểu trước công chúng của Đại học Stanford đã giúp tôi vượt qua được nỗi sợ hãi này. Chúng tôi được thoải mái giao tiếp trong bầu không khí hết sức thoải mái mà giảng viên tạo ra. Đến với khóa học này, tôi còn biết thêm rằng mình không phải là người duy nhất sợ nói trước đám đông, nhưng nếu áp dụng đúng kỹ thuật, khả năng ấy của tôi sẽ tốt lên từng ngày.
Kinh nghiệm cá nhân dạy cho tôi hiểu rằng, nếu bạn chia sẻ mọi thông tin như một câu chuyện, nó sẽ hấp dẫn và thu hút hơn”.
Bài chia sẻ của Stanford về câu chuyện của Huyền Chip nhận được khá đông sự quan tâm của sinh viên.
“Thật tự hào với những gì bạn đã làm được, rất khó để có thể đậu vào Stanford, hãy nỗ lực hết mình Chúc bạn may mắn trong con đường sự nghiệp sau này” - một tài khoản tên R.P để lại bình luận.
Trên trang cá nhân của Huyền Chip cũng không giấu nổi sự vui mừng và tự hào khi câu chuyện “sợ nói trước đám đông” của cô được nhà trường lựa chọn chia sẻ:
“Lần đầu tiên mình nộp đơn vào Stanford, các anh chị có kinh nghiệm đều bảo mình mơ mộng viển vông và khuyên mình nên nhắm trường thấp hơn. Mình ngoan cố nộp đơn và bị từ chối.
Lần thứ 2 nộp đơn, nhiều người ngăn cản mình với lý do mình già rồi, lo liệu lấy chồng đẻ con đi. Mình vẫn ngoan cố nộp đơn, và được nhận. Mình theo học ở ngôi trường này và chưa bao giờ thấy hối hận.
Stanford đã không cho mình cơ hội thứ hai nếu mình không tự cho bản thân mình cơ hội thứ hai. Cảm ơn School of Engineering đã cho mình cơ hội chia sẻ câu chuyện của mình!”
Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh năm 1990. Cô là cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Sau chuyến du lịch qua 25 nước, cô đã viết và phát hành cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” gây nhiều tranh cãi.
Hiện nay cô đang học bậc thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ). Và đúng như những gì Huyền từng nói “Stanford đã không cho mình cơ hội thứ hai nếu mình không tự cho bản thân mình cơ hội thứ hai”, Huyền có thể đã phải dừng lại, đã ngừng mơ ước để rồi không đạt đến thành công như hôm nay nếu nghe theo lời khuyên “chọn trường khác đi, Stanford khó lắm”.
Thành công không nằm ở miệng người khác mà nằm chính trong đôi tay và khối óc của mỗi người. Bạn muốn thành công, trước hết hãy học cách kiên trì và không từ bỏ, như Huyền đã nói khi cô bị chỉ trích bởi nội dung trong cuốn sách của mình: “Tôi vấp ngã, nhưng tôi đứng dậy và đi tiếp”.