Theo nguồn tin từ báo Thanh Niên, bạn của tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) là phụ huynh của một học sinh lớp 6. Con gái của vị phụ huynh này đã phải chép phạt 100 lần câu: “Em xin lỗi cô, lần sau em không thế nữa” do không chấp hành yêu cầu làm bài từ phía giáo viên đứng lớp.
Sau khi gặng hỏi thì nữ sinh này cho biết, cô giáo trên lớp có ra đề bài “Hãy kể về thần tượng của em”. Tuy vậy do học sinh này không có thần tượng nào cả nên cô bé đã không làm, mặc dù về cơ bản, nữ sinh này vẫn biết cách trình bày một bài văn. Sự việc ngay sau đó đã khiến không ít phụ huynh tỏ ra bức xúc trước cách giải quyết của cô giáo.
“Đề bài và hình phạt của cô với trò sau đó đã cho thấy tâm lý nô lệ đáng sợ trong giáo dục con người - khi yêu cầu con người buộc phải có đối tượng để sùng bái. Cô giáo đã làm tổn thương cái tôi cá nhân của học trò khá nặng nề”, tiến sĩ Thu Tuyết chia sẻ với báo Vietnamnet.
Sau khi sự việc được phát tán rộng rãi, rất nhiều người dùng đã chia thành nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người thì đồng ý với phát biểu của cô Tuyết. Một số thì lại cho rằng học Văn cần phải linh hoạt, thử thách bản thân ở nhiều cấp độ khác nhau chứ không phải lệ thuộc vào bất cứ đề tài nào.
Tuy nhiên luồng tư tưởng này cũng phản đối cách phạt học sinh của cô giáo trên và cho rằng, làm như thế chẳng khác nào nói là nữ sinh này sai.
Phản biện lại ý kiến trên, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết cũng khẳng định: “Chúng ta cần dạy học trò biết hoàn thiện bản thân bằng trí tuệ và nhân cách tự trọng, trung thực chứ không phải tưởng tượng để hoàn thiện!”.