Theo ông Sơn, 3 nguồn thu chính của trường đại học gồm: học phí ngân sách nhà nước, có thể là cấp chi thường xuyên, chi đầu tư cho các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ… ; hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân…
Bộ GD&ĐT chủ yếu đóng vai trò xây dựng quy định về học phí đối với các trường đại học công lập. Ông Sơn khẳng định mấy năm qua, mức trần học phí không tăng, điều này dẫn đến khó khăn cho các trường duy trì hoạt động cũng như tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Thứ trưởng Sơn hy vọng Nghị định này nếu được thông qua và ban hành sẽ giúp các trường đại học tháo gỡ khó khăn, từng bước đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo.
Nói thêm về nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, ông Sơn cho hay, nguồn này qua các kênh là cơ quan quản lý trực tiếp. Bộ GD&ĐT hiện chỉ quản lý 34 trường đại học, còn lại các bộ, ngành và địa phương.
Kinh phí Nhà nước có 2 nguồn ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư.
Về nguồn thu từ bên ngoài, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, điều này phụ thuộc nhiều vào năng lực của các trường đại học trong việc thu hút hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân…
Trước đó, tại các cuộc họp bàn về vấn đề tài chính, Bộ GD&ĐT cũng như đại diện các trường ĐH đều khẳng định nguồn thu chính của các trường là học phí, chiếm tới 80%.