Vắng lặng đến lạ thường…
Một ngày sau khi kết quả trên được công bố trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Minh Long vắng lặng đến lạ thường. Đây cũng không phải là ngôi trường đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi có tỉ lệ tốt nghiệp THPT 0%, trước đó, trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây) cũng có kết quả tương tự vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007.
Chia sẻ với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Cáng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Minh Long thổ lộ, mấy ngày qua khi hay tin trường không có em nào đỗ tốt nghiệp, tập thể cán bộ nhà trường ai cũng đều rất buồn: “Mấy đêm nay tôi không tài nào chợp mắt được. Suy nghĩ về tương lai của trường, của các em rồi sẽ ra sao. Cảm thấy nuối tiếc cho những nỗ lực của các em trong thời gian qua”.
“Độ tuổi thấp nhất từ 20 đến 22, một số em tuổi đời lên đến 30-40”
Cũng theo những chia sẻ vô cùng chân thật với của ông Cáng, kết quả như trên là một điều tất yếu bởi lẽ đề thi năm nay là quá tầm so với những em học sinh vốn thường ngày chỉ quanh quẩn bởi công việc mưu sinh, kiếm sống.
Bên cạnh đó ông Cáng cũng cho rằng, việc nền tảng kiến thức của các học sinh nơi đây “quá yếu” khiến cho công tác giảng dạy gặp vô vàn những khó khăn. Mặc dù những thầy cô giáo của trung tâm rất nỗ lực nhưng kết quả trên phản ánh đúng thực trạng của huyện miền núi này.
“Học sinh vào học ở trung tâm, độ tuổi thấp nhất từ 20 đến 22, một số em tuổi đời lên đến 30-40. Lớp 12 của trung tâm thi tốt nghiệp THPT năm nay, 3 học sinh đã có vợ, bận rộn gia đình nên việc học tập, tiếp thu kiến thức gặp nhiều khó khăn” - Ông Cáng chia sẻ với Zing.
Đừng “giết chết” những niềm hy vọng cuối cùng
Thầy Huỳnh Quang Tải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Minh Long, người đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác giảng dạy tại trường tỏ ra vô cùng tiếc nuối: “Nghe đồng nghiệp điện thoại báo tin cả lớp 12 thi tốt nghiệp rớt sạch, tôi không thể tưởng tượng nổi. Những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trung tâm luôn đạt hơn 80% nhưng năm nay thì không em nào đậu, nên xót xa, buồn lắm”.
Có thể thấy sự việc trên như một “đòn giáng” vô cùng mạnh mẽ đến những người làm công tác giáo dục hiện nay. Thế nhưng cũng không thể nào có thể phủ nhận biết bao công sức mà các thầy cô nơi đây đã dày công vun đắp mỗi ngày, tuy nhiên kết quả cuối cùng thì lại không như kỳ vọng.
Thế nên đừng bao giờ “giết chết” những niềm hy vọng cuối cùng của các thầy cô nơi đây, những người đã gieo biết bao niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng, một hướng đi có thể “đổi đời” dành cho các học sinh nghèo nơi đây.
Suy cho cùng kỳ thi cũng chỉ là một cuộc chơi thông thường, và đôi khi thành công trong kỳ thi ấy lại chẳng giúp ích được nhiều cho những học sinh vốn chỉ quanh quẩn với cuộc sống mưu sinh hằng ngày.