Những ngày qua, Báo SGGP nhận được đơn phản ánh của Tiến sĩ P.H.D., Trưởng Bộ môn Toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Theo ông D., ông nộp đơn nghỉ việc vì không chấp nhận một giảng viên tại trường này được đứng lớp giảng dạy do liên quan đến “chuyện tình cảm không phù hợp với sinh viên”, tác động điểm thi trước đó.
Theo ông D., giảng viên đó là T., “là đàn ông nhưng thích sinh viên nam”. T. vào lớp thường phát biểu những câu phản cảm như “Lớp này có nhiều trai đẹp quá” hay chỉ vào một sinh viên đẹp trai và nói: “Lớp này điểm cao hay thấp là tùy vào em L. có chiều tôi hay không”. “L. sợ quá đã bỏ học và phải học lại môn này vào năm sau”.
Ngoài ra, giảng viên T. sai phạm nghiêm trọng khi không chấm bài mà cho điểm khống 456 sinh viên lớp đại trà và khoảng 80 sinh viên lớp chất lượng cao. Sau đó, T. lên phòng đào tạo mượn lại bảng điểm và sửa lại điểm toàn bộ điểm cũ. Sinh viên kiện nên khoa tổ chức chấm lại và kết quả là hơn 80% điểm của sinh viên đã bị chấm sai.
Ông D. còn cho biết, sau chuyện này giảng viên T. bị kỷ luật và 1 năm sau tiếp tục đưa về Bộ môn Toán cơ bản. “Hơn 50% giảng viên trong bộ môn tôi đã ký tên kiến nghị không nên tiếp tục phân công cho giảng viên T. giảng dạy”. Sau đó, lãnh đạo khoa chuyển giảng viên này về Bộ môn Toán tài chính. Lo sợ giảng viên T. vô tình làm hại những sinh viên khác, ông D. làm đơn kiến nghị nhưng lãnh đạo trường không giải quyết nên ông làm đơn xin nghỉ việc.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Trường ĐH Kinh tế TPHCM xác nhận có chuyện này. Nhưng đây đã là chuyện xảy ra từ đầu năm 2018.
Vào tháng 2-2018, trường có nhận phản ánh của sinh viên. Ngày 8-3-2018, trường đã tổ chức phiên họp. Sau đó 10 ngày, trường đã ra quyết định tạm đình chỉ với giảng viên này.
Trải qua 3 phiên họp của hội đồng kỷ luật, ngày 4-5-2018, trường đã ra quyết định kỷ luật giảng viên T..
Theo vị đại diện nhà trường, liên quan đến giảng viên T. có 3 nội dung: một là chưa hẳn “gạ tình” nhưng những hành vi, lời nói không phù hợp với môi trường giáo dục; hai là lịch giảng bù vào những thời gian không phù hợp sinh hoạt của sinh viên; thứ ba là cho điểm không công bằng.
Lý do là Bộ môn Toán cơ bản ra đề thi lấy điểm kết thúc môn theo cơ cấu 7 điểm câu hỏi trắc nghiệm, 3 điểm câu hỏi tự luận. T. lại lên giảng đường thông báo cho trắc nghiệm 3 điểm, tự luận 7 điểm. T. giải thích là trắc nghiệm dễ mất điểm hơn tự luận, “thương sinh viên nên có thay đổi cơ cấu”. Nhưng làm vậy là sai. Khi sinh viên phản ánh, T. chấm lại theo cơ cấu cũ. Nhà trường lúc này phải giao lại bộ môn chấm.
Theo chúng tôi được biết, quyết định kỷ luật giảng viên T. có nội dung: thi hành kỷ luật là cảnh cáo 12 tháng. Ngoài ra, ông T. còn chịu thêm các hình thức kỷ luật phụ như: trừ 40% thu nhập từ Trường ĐH Kinh tế TPHCM; kéo dài thời hạn nâng lương thêm 6 tháng; không được thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng từ khi quyết định có hiệu lực; không xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng 2018.
Đại diện nhà trường giải thích thêm: Sau thời hạn 12 tháng cho đến nay, giảng viên T. cũng đã chấp hành kỷ luật tốt. Bản thân các sinh viên cũng không có ý kiến khác. Sau đó, trường có chuyển giảng viên T. sang viện nghiên cứu. Nhưng T. cho biết mình không hợp với công việc nghiên cứu. Vì vậy, trường chuyển giảng viên này từ Bộ môn Toán cơ bản sang Toán tài chính. Tuy nhiên, cho đến nay, trường vẫn chưa bố trí giảng viên này đứng lớp ngày nào. Đại diện nhà trường cho biết, mặc dù xét về chấp nhận kỷ luật, T. đã hoàn thành và “chịu nhiều thiệt thòi” trong thời gian chấp hành, từ thu nhập, đào tạo, bồi dưỡng…, nhưng nếu chỉ có một hành động nào đó tái diễn thì sẽ cho T. nghỉ việc ngay lập tức.
Đối với việc trưởng bộ môn D. xin nghỉ việc, nhà trường có nhận đơn nhưng hiệu trưởng vẫn đang xem xét, chưa giải quyết đồng ý.
Trong khi đó, ông D. cho rằng ông và các đồng nghiệp phản đối giảng viên T. giảng dạy là e ngại sau này T. tiếp tục “ngựa quen đường cũ”. Đến khi đó, sinh viên sẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất, kế đến là uy tín, danh dự của tập thể sư phạm nhà trường.