Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Trải lòng của thầy giáo về những áp lực, khó khăn khi dạy con 'dân giang hồ' khiến nhiều người thương xót

Một bài đăng chia sẻ về nỗi lòng của một người thầy khi đứng trước những áp lực, khó khăn trong quá trình làm việc đang nhận được sự quan tâm từ cộng động đồng mạng.

Từ trước đến nay, giáo viên luôn được xem là nghề cao quý và được tôn vinh bởi sự nghiệp trồng người cao cả, đào tạo nên con người có tri thức, giúp ích cho xã hội.

Tuy nhiên, ở xã hội hiện nay, nhiều người hay nói “Làm giáo viên như làm dâu trăm họ” bởi không chỉ đối mặt với áp lực thi cử, chất lượng dạy học, mà còn luôn phải trau dồi, học hỏi và hơn cả là đối mặt với những học sinh cá biệt, thậm chí cả bậc phụ huynh khó chiều.

Mới đây, một bài đăng của một giáo viên chia sẻ về sự khó khăn, áp lực của nghề giáo khi đứng lớp có học sinh là “dân giang hồ”.

“Một phút trải lòng của người thầy”, bài đăng thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Ảnh: KSC

“Một phút trải lòng của người thầy

Buổi thi thứ hai đã xong. Học sinh về hết. Sân trường vắng tanh. Nhưng mình vẫn còn ngồi ở đây.

Muốn khóc …

Muốn vỡ òa …

Muốn hét lên….

Gần 20 năm đi dạy, đây là lần đầu tiên mình quá stress và đã nhen nhóm trong đầu ý định bỏ nghề. Nhưng bỏ nghề thì mình làm gì để kiếm sống đây? Có còn trẻ nữa đâu mà bắt đầu lại từ đầu.

Mình chủ nhiệm 9. Và lớp mình có một đứa học sinh rất lười, không học hành gì hết. Vào lớp chỉ nằm dài ra. Phân công lao động thì né tránh. Đi học thì luôn vào trễ. Học kỳ một, sau vài lần làm việc với phụ huynh thì bắt đầu họ có ác cảm rằng mình đì con họ. Và sau đó là những thái độ/lời nói ác cảm ra mặt khi mình gọi điện thoại báo tình hình. Khi cần thiết lắm phải gọi điện thoại cho họ thì ông bố sau khi bật diện thoại lên là chỉ nói câu “Nghe đây! ” rất nặng nề và khó chịu. Nó cũng thể hiện xem mình không ra gì ngay trong lớp học. Mình đã báo tất cả lên hiệu trưởng.

Khi hiệu trưởng làm việc với nó thì nó giả vờ tỏ ra sợ, nhưng khi đối diện với mình, nó vẫn tỏ thái độ xem mình không ra gì. Có gia đình bênh vực và chống lưng rồi thì sợ gì giáo viên chủ nhiệm nữa. Mỗi lần mình báo Hiệu trưởng là hầu như lỗi là do mình: “Em có bắt nó viết tường trình/kiểm điểm chưa ? Tại sao nó gặp cô thì không dám làm gì, còn gặp em thì lại như vậy? Em xem lại cách em xử lý đi “. Sau đó lại thêm quả combo: “Nhà nó là giang hồ đó. Em làm sao thì làm đi”.

Một tiết bao nhiêu phút? Nó cứ gây hấn thì bao nhiêu thời gian cho đủ để bản tường trình tự kiểm? Giáo viên còn phải dạy chứ đâu phải công an/điều tra viên.

Đuổi ra ngoài cũng không được. Quy định Nhà trường nếu đuổi học sinh ra ngoài thì giáo viên sau đó phải dạy bù lại cho học sinh đó.

Nhà nó là giang hồ thế là giáo viên phải đơn độc chịu đựng hay sao?

Hôm nay thi speaking. Nó tự ý bỏ về.

Alo phụ huynh báo. 5 phút sau, phụ huynh gọi ngược lại rồi đổ thừa mình không ôn tập nên nó không thi. Đổ thừa mình không được thì đổ thừa đứa học sinh làm chung trong cặp không soạn bài cho nó. Xong cúp điện thoại ngang. Trong khi mình đã tìm hiểu trước là chính nó không chịu làm chung với đứa học sinh kia. Có cả lớp làm chứng.

Mình báo hiệu trưởng thì lại tiếp tục bị đổ lỗi qua. Và vẫn là cái câu chốt: “Tại sao với cô nó k thể hiện gì mà cứ gặp em là nó lại làm vậy? Gia đình nó giang hồ đó, em liệu làm sao thì làm”.

Muốn khóc nhưng không thể khóc trước mặt học sinh đang vẫn chờ thi speaking.

Cuối năm rồi. Nhưng còn một tháng luyện thi, mình chịu nổi đứa học sinh và áp lực từ hiệu trưởng nổi không? Xin đổi lớp chắc chắn là không được rồi.

Muốn nộp đơn nghỉ dạy cho rồi nhưng sẽ làm gì sau này?

Hay xin nghỉ không lương một tháng để tạm thời ổn định tinh thần?

Đang rối loạn và mệt mỏi. Chỉ muốn nghe vài lời từ mọi người.”

Ảnh minh họa

Bài đăng này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và nhận về nhiều lượt bình luận bày tỏ sự cảm thông, động viên và thậm chí là bức xúc, chỉ trích đối với lối cư xử của học sinh cũng như phụ huynh học sinh trên.

“Nghề giáo có ai hiểu đâu, mình cũng dạy tiếng anh. Nhưng mới là tiểu học thôi mà học sinh đã không chịu học, không làm bài tập, phụ huynh thực sự không hề quan tâm đến con mà chỉ mải lo làm ăn. Nhiều lúc thật sự rất stress. Học sinh thì không học hành gì nhưng lúc nào cũng đòi hỏi chất lượng. Thật sự chỉ người ở trong nghề mới hiểu được. Quá mệt mỏi”.

“Mình cũng đã trải qua cảm giác đó, học sinh nghịch, hỗn; phụ huynh ngang ngược tự cho con họ là vàng bạc. Bất lực thực sự. Mình bỏ nghề rồi, không chịu nổi áp lực với đồng lương chết đói của 1 giáo viên hợp đồng”.

“Nói chung cái nghề trồng người nó khổ lắm. Đã vậy còn bèo bọt. Mấy bạn đừng vơ đũa bảo là giáo viên như thế này như thế kia, ở ngành nào mà không có mảng tối? Không thể lấy 1 con sầu rồi làm rầu nồi canh được. Quan điểm lựa chọn là do bạn quyết định, tiếp tục thì sẽ chịu áp lực lớn hơn, nhiều khó khăn hơn. Mong bạn cố gắng, trước mắt cứ ổn định tinh thần sau đó chọn cho mình 1 quyết định đúng đắn”.

Nhiều cư dân mạng thở dài, hóa ra ngành giáo viên không “màu hồng” như nhiều người vẫn nghĩ, không chỉ là những ngày Nhà giáo được tặng hoa, tặng quà, mà chứa đầy áp lực, căng thẳng chẳng thể giãi bày.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Linh Chi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tin buồn của Rosé