Hôm nay (16/10), mạng xã hội xôn xao thông tin về bức thư ngỏ của Trường THCS Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) về tổ chức hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn cho học sinh khối 8,9 bằng hình thức xem phim "Đất rừng phương Nam".
"Thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức đa dạng này nhằm giúp học sinh tiếp cận việc đọc sách với tác phẩm "Đất rừng phương Nam" (nhà văn Đoàn Giỏi) thông qua điện ảnh để trải nghiệm, giáo viên môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục địa phương và nghệ thuật tổ chức tiết trải nghiệm liên môn ngoài nhà trường với chủ đề "Vẻ đẹp quê hương - cuộc sống muôn màu" nhằm khơi gợi những tình cảm tốt đẹp trong học sinh được tổ chức vào ngày 24/10", nội dung bức thư viết.
Cũng theo bức thư ngỏ, mỗi học sinh tham gia sẽ phải đóng 80.000 đồng lệ phí, bao gồm vé xem phim và tiền xe lượt về trường. Các em sẽ được phụ huynh đưa đến một rạp chiếu phim trên địa bàn quận 1, TP.HCM để xem phim "Đất rừng phương Nam" suất 8h đến 10h ngày 24/10 sắp tới.
Kèm theo nội dung bức thư ngỏ, mạng xã hội cũng lan truyền đoạn tin nhắn của giáo viên trả lời với phụ huynh về hoạt động nói trên. Trong đó, giáo viên cho rằng, việc xem phim là một trong những tiết học rất cần thiết để học sinh trải nghiệm. Mục đích giúp các em cảm nhận một tác phẩm dưới một góc nhìn mới, làm phong phú tâm hồn các em sau khi xem phim...
Ngay sau khi bức thư ngỏ xuất hiện trên mạng xã hội lập tức nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận của quý phụ huynh. Theo đó, nhiều phụ huynh cho rằng, bức thư ngỏ này khá kỳ lạ và khiến nhiều phụ huynh không đồng tình. Bởi lẽ, việc học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường theo quy định là tùy nhu cầu và tự nguyện của phụ huynh. Khi tổ chức học tập trải nghiệm - tiết học ngoài nhà trường, các cơ sở giáo dục phải xây dựng phương án học tập tương đương cho các em học sinh không tham gia được học tập tại trường hoặc tại nhà. Trong khi đó, thư ngỏ của nhà trường không đảm bảo được 2 yêu cầu này.
Ngoài ra, những ngày qua, phim "Đất rừng phương Nam" cũng đang gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Do đó, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, liệu có thực sự phù hợp khi để các bạn học sinh trải nghiệm bộ phim này?
Liên quan đến vụ việc này, trả lời báo Người Lao Động, ông Võ Cao Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 (TP.HCM), cho hay ông cũng vừa nghe thông tin và sẽ trao đổi lại với nhà trường để nắm cụ thể sự việc và sẽ có phản hồi sớm nhất.
Cách đây ít ngày, một sự việc tương tự cũng xảy ra khiến dân tình không khỏi xôn xao bàn tán. Cụ thể, những ngày qua, trên một số diễn đàn mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng nếu sinh viên của trường HUTECH không đi xem phim thì sẽ bị trừ điểm rèn luyện.
Được biết, hôm 3/10, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng thông báo trường HUTECH đã đặt vé cho 1.000 sinh viên đi xem. "Thiệt tình cảm ơn với các trường, hội nhóm rất nhiệt tình ủng hộ đặt vé tập thể" - đạo diện Nguyễn Quang Dũng bày tỏ.
Trước những luồng thông tin trái chiều trên mạng xã hội, đại diện truyền thông của trường HUTECH đã chính thức lên tiếng về sự việc trên.
Chia sẻ với PLO, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm truyền thông trường HUTECH) cho biết, Khoa Truyền thông và Thiết kế của Trường có kế hoạch tổ chức cho sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện đi xem phim Đất rừng phương Nam vào tối 20/10.
"Đây là một hoạt động học tập trong học phần Cảm thụ điện ảnh, nhằm giúp sinh viên có trải nghiệm thực tế về không gian rạp thông qua một bộ phim mới. Với định hướng đào tạo mang tính ứng dụng cao, HUTECH thường xuyên có những chương trình trải nghiệm thực tế này trong chương trình học, trong tháng 9/2023 sinh viên đã được trải nghiệm xem phim Past lives.
Ngoài ra, sinh viên Truyền thông đa phương tiện HUTECH cũng được mang sản phẩm phim là đồ án tốt nghiệp của mình ra rạp công chiếu. Việc xem phim và trải nghiệm không gian rạp là một quyền lợi của sinh viên trong chương trình học, các bạn không phải trả tiền vé, Nhà trường cũng không bắt buộc các bạn tham gia.
Trường hợp sinh viên nào không trải nghiệm xem phim thì sẽ mất quyền lợi này chứ không bị ảnh hưởng gì về điểm học tập hay điểm rèn luyện" – bà Xuân Dung cho hay.