Phạm Thị Vân Anh - Học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) - là thủ khoa toàn quốc khối D01 năm nay với 28,9 điểm. Trong đó, điểm số khối này của em là: Toán 9,6; Ngữ văn 9,5 và Tiếng Anh 9,8.
Trước khi quyết định theo đuổi ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương, Vân Anh từng nộp thêm hồ sơ xét tuyển sớm ngành Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Khi nộp hồ sơ xong, nữ sinh đọc lại các tiêu chí xét tuyển của trường Sư phạm mới phát hiện hồ sơ của mình không đạt yêu cầu vì thiếu điều kiện học sinh giỏi cấp quốc gia. "Nhưng nếu nói em trượt ngành này như một số fanpage đăng tải thì không đúng, vì nếu thật sự yêu thích thì em sẽ nộp nguyện vọng và xét theo điểm thi tốt nghiệp em vẫn đủ điểm để đỗ", Vân Anh nói.
Năm nay, ngành Sư phạm Toán học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội lấy 26,50 khối A00 (Toán - Vật lý - Hóa học) và A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh). Theo đó, Vân Anh đạt 26,85 điểm khối A00 (thừa 0,35 điểm) và 28,90 điểm khối A01 (thừa 2,4 điểm).
Sở dĩ nữ thủ khoa khối D01 "chốt" Kinh tế đối ngoại vì thấy rằng đây là ngành học có nhiều tiềm năng và có mức thu nhập hấp dẫn sau khi tốt nghiệp. Nữ sinh Hải Phòng chọn ngành trước khi chọn trường bởi việc xác định niềm đam mê và thế mạnh của bản thân phù hợp với ngành học nào quan trọng hơn.
Cô gái này quan niệm, sự chủ động và tinh thần ham học hỏi là yếu tố căn bản giúp người học có thể lĩnh hội kiến thức, kỹ năng và cơ hội. Đồng thời, trong một ngôi trường có nhiều người giỏi thì bản thân cũng phải nỗ lực không ngừng để nổi bật hơn. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần có những mục tiêu, bản sắc cá nhân riêng và nhìn nhận mọi chuyện theo hướng lạc quan.
Nhắc đến bí quyết đạt điểm cao, theo Vân Anh, trong những giai đoạn "nước rút", người học không nên ép bản thân quá mức, dễ dẫn đến căng thẳng và ôn tập không đạt hiệu quả. Nữ sinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "sức đề kháng tinh thần" và sự cân bằng thời gian ôn giữa các môn. Theo đó, khi đó tinh thần thoải mái thì mới dễ tiếp thu kiến thức. Đồng thời, các môn học đều có tầm quan trọng như nhau, không nên đặt nặng hay xem nhẹ môn nào.
"Bài học này em rút ra sau thời gian căng thẳng vì thất vọng điểm số. Khi bản thân rơi vào trạng thái không vui, dù em cố gắng để học, cũng không ghi nhớ được gì. Sau đó thì em tự ngồi lại, xem còn thiếu những gì rồi phân chia lại quỹ thời gian", nữ sinh Hải Phòng nói thêm.
Vân Anh thường học đến khoảng 10 giờ tối, hôm nào nhiều bài thì 11 giờ. Cô không thức quá khuya mà luôn biết sắp xếp tổng thời gian học vừa đủ để đảm bảo sức khỏe. Nữ sinh tập trung nắm chắc phương pháp giải các dạng đề, đồng thời, rèn luyện tốc độ làm bài căn theo thời gian trong phòng thi.
Nữ thủ khoa nói bản thân sẽ cân bằng thời gian và lựa chọn phương pháp học tập phù hợp với môi trường đại học để có thể thực hiện được những mục tiêu đề ra. Đồng thời, nữ sinh hy vọng sẽ trở thành một sinh viên năng động, chủ động và sáng tạo hơn.
Hiện tại, Vân Anh đã tìm được cho mình căn phòng trọ ưng ý, chuẩn bị bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà. Vân Anh tự hào vì gia đình luôn là động lực để cố gắng vượt qua thử thách ban đầu và có được những trải nghiệm đáng quý trong 4 năm đại học sắp tới.
"Trước mắt, em sẽ cố gắng rèn luyện, học tập thật tốt ở bậc đại học. Nếu có cơ hội, em sẽ đi làm thêm để có khoản chi tiêu hàng tháng và tích luỹ trải nghiệm thực tế", nữ thủ khoa tâm sự thêm.