Hiện nay, toán học tiểu học không chỉ dạy các học sinh các phép toán "cộng trừ đơn chia" đơn thuần nữa; thay vào đó, các em sẽ được giáo viên lồng ghép thêm những bài toán mẹo để kích thích sự tư duy, phản ứng nhanh nhạy.
Không ít bài toán mẹo từng làm khó học sinh, thậm chí cả phụ huynh cũng cảm thấy khó hiểu. Chỉ đến khi nghe giáo viên giải thích, phụ huynh và học sinh mới vỡ lẽ về cách để phân tích bài toán.
Trước đó, một bà mẹ người Trung Quốc từng chia sẻ chính câu chuyện của chị khi vô tình kiểm tra môn Toán của con. Theo đó, trong lúc xem bài vở của con, chị phát hiện con làm bài toán với đề bài như sau: "Có 11 bóng đèn được bật sáng trong lớp học. Hỏi sau khi 4 bóng đèn được tắt đi, trong phòng học còn lại tổng cộng bao nhiêu bóng đèn?".
Sau khi đọc đề bài, con trai chị đã làm phép tính như sau: "11-4=7". Tuy nhiên, cô giáo đã chấm bài này sai.
Người mẹ lúc này vừa khó hiểu, vừa tức giận vì chị cho rằng, cô giáo có chăng đã nhầm lẫn nên mới chấm sai bài toán của con chị.
Để giải toả thắc mắc và sự bức bối trong lòng, người mẹ đã lên tận lớp để gặp và trao đổi với cô giáo. Lúc này, cô giáo giải thích cho người mẹ hiểu như sau: "Kết quả của bài toán là 11 chứ không phải 7. Bởi vì sau khi tắt đi 4 bóng đèn, thậm chí tắt tất cả số đèn thì tổng số đèn trong phòng học cũng không thay đổi, vẫn là 11 bóng đèn.
Đây là bài toán mẹo chứ không phải bài toán cộng trừ đơn thuần. Do đó, nếu học sinh suy nghĩ không kỹ càng, có có kỹ năng phân tích dữ liệu bài toán thì sẽ rất dễ đưa ra đáp án sai. Không chỉ riêng con của phụ huynh này mà nhiều bạn khác trong lớp cũng đưa ra đáp sai tương tự".
Sau khi nghe lời giải thích của cô giáo, người mẹ lúc này có chút xấu hổ vì cảm thấy bản thân vừa nóng vội, vừa thiếu kỹ năng tư duy logic. Do đó, chị đã gửi lời xin lỗi đến cô giáo; đồng thời tự hứa với bản thân rằng sẽ chú ý hơn ở việc đồng hành cùng con trong học tập.