Hồ sơ nhập học
Sau khi biết kết quả trúng tuyển đại học, thí sinh cần xác nhận nhập học trong thời hạn quy định của nhà trường bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia (trực tiếp tại trường hoặc bằng thư chuyển phát nhanh).
Trong quá trình đợi giấy thông báo trúng tuyển và thông báo nhập học, bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhập học, thông thường bao gồm:
- Giấy báo trúng tuyển (ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học).
- Học bạ (bản sao công chứng).
- Hồ sơ lý lịch có dán sẵn ảnh chân dung đã đóng dấu giáp lai của chính quyền địa phương theo mẫu có sẵn của Bộ GD-ĐT.
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp trung học đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước.
- Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân.
- Giấy khai sinh (bản sao có công chứng).
- Đối với các thí sinh trúng tuyển nhờ xét điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) phải nộp giấy chứng nhận ưu tiên.
- Ít nhất 4 tấm ảnh thẻ cỡ 3 x 4 hoặc 4 x 6.
- Bản sao công chứng các giấy tờ pháp lý để xác nhận thuộc diện được hưởng các chế độ ưu tiên, đối tượng chính sách (nếu có) như giấy chứng nhận là con liệt sỹ, dân tộc ít người, con thương/bệnh binh, chứng nhận hộ nghèo… dùng để xét miễn giảm học phí.
Việc nộp đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan tới các chế độ ưu tiên, chính sách còn giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc đăng kí ở kí túc xá của nhà trường.
Tìm phòng trọ hoặc đăng ký phòng ký túc xá
Nếu các bạn có đủ chi phí và điều kiện để trọ tại ký túc xá của trường thì hẳn là quá tiện cho các bạn, vì mức độ an ninh ở ký túc xá trường khá an toàn, và trong một môi trường có nhiều cộng đồng sinh viên như thế thì bạn sẽ không cảm thấy lo lắng như khi bạn tự trọ ở ngoài.
Lời khuyên cho các tân sinh viên là bạn nên ở ký túc xá trường trong một thời gian ngắn để làm quen môi trường đại học và bên ngoài, sau đó hãy ra ngoài thuê trọ.
Trong trường hợp quyết định thuê trọ, bạn nên tìm hiểu kỹ về giá cả, tiền điện nước và khoảng cách so với trường học. Phòng trọ ở thành phố có đặc điểm là tăng theo thời giá, thế nên, hãy cố giành ra một khoảng thời gian tìm hiểu giá phòng trọ bằng mọi phương tiện, để nắm bắt rõ nơi nào là phù hợp với khả năng chi trả của mình.
Tình trạng lừa đảo phòng trọ hiện xảy ra khá nhiều, vì thế trước khi đóng tiền cọc hay tiền phòng trước cho chủ nhà, bạn cần ký hợp đồng, chụp ảnh lại chứng minh nhân dân của chủ trọ để làm căn cứ, tránh việc bị bùng tiền.
Ngoài ra, khi thuê trọ, sinh viên cũng nên lưu ý việc tìm người ở ghép. Nếu ở chung với những người bạn quen biết thì thật tốt nhưng trong trường hợp phải đăng lên mạng tìm người ở chung để tiết kiệm chi phí thì bạn hãy nên cẩn trọng. Từng có nhiều vụ việc bạn cùng phong lấy trộm đồ hoặc có tính xấu khó chấp nhận. Đối với tân sinh viên chân ướt chân ráo lên TP, lời khuyên tốt nhất là các bạn nên ở cùng người quen để tránh những va chạm rắc rối có thể gây tiền mất tật mạng.
Phương tiện đi lại và vật dụng sinh hoạt
Ở TP, các bạn sinh viên có thể mang theo thẻ sinh viên hoặc giấy báo nhập học để làm vé xe buýt tháng với giá ưu đãi. Với tấm vé này, bạn có thể leo lên tất cả các tuyến buýt, đi lại bất cứ nơi đâu trong nội thành với giá cả không thể nào rẻ hơn.
Một số tuyến xe qua các trường đại học thường bị quá tải nhưng dù sao đi xe buýt cũng là lựa chọn tốt giúp bạn “né” được nắng mưa, bụi bặm, khi xe không quá động, bạn còn có thời gian để ngả lưng một chút.
Ngoài xe buýt, xe đạp hay xe máy cũng là một sự lựa chọn thú vị. Tuy nhiên, các bạn chọn di chuyển bằng xe máy nên chú ý việc bảo quản tài sản của mình, tránh bị trộm cắp. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần có bằng lái và khi ra đường, nghiêm túc chấp hành luật giao thông. Nếu đi xe đạp, bạn cần cân nhắc, chọn địa điểm thuê trọ gần với trường học để đảm bảo thời gian cũng như sức khỏe nhé!
Về đồ dùng cá nhân, có lẽ nhiều bạn sẽ bỡ ngỡ khi không biết mua vật dụng ở đâu cho rẻ mà tốt hoặc sẽ bị choáng ngợp bởi có quá nhiều chỗ bán đồ dùng giá rẻ nhưng không biết có bền hay không.
Lời khuyên là các bạn nên mua đồ điện tử, đồ gia dụng ở các siêu điện máy, siêu thị gia dụng… Giá của chúng khá rẻ và chất lượng cũng được đảm bảo.
Một số vật dụng thiết yếu như nồi cơm điện, gia sách, tủ quần áo, bếp gas, tủ lạnh… có lẽ là những thứ tân sinh viên cần ưu tiên sắm để đảm bảo việc sinh hoạt diễn ra thoải mái. Để đơn giản hơn, các bạn nên ghi ra một list đồ dùng cá nhân cụ thể và mua ở những chỗ đã tham khảo qua. Nếu thiếu đồ dùng gì thì hãy note bằng cách đánh dấu để lần sau bổ sung thêm.
Trang bị đầy đủ đồ dùng cá nhân và giấy tờ tùy thân
Lên thành phố và bắt đầu cuộc sống xa nhà, bạn nên chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ tùy thân như: Chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế và xã hội, thẻ ngân hàng, bằng lái xe (nếu có) và thẻ sinh viên (nếu đã được nhà trường cấp), giấy tạm trú tạm vắng và đăng ký tại nơi ở trọ mới.
Điều này không hề thừa vì khi trường hợp xấu xảy ra, bạn vẫn có thể sử dụng giấy tùy thân và tiền để được hỗ trợ.
Cuộc sống không có người thân bên cạnh, chuyện gì cũng có thể xảy ra nên bạn luôn chuẩn bị một khoản tiền mặt trong thẻ ngân hàng để có thể an tâm mỗi khi ra đường.
Điện thoại cũng là một trong những thứ cũng khá quan trọng mà bạn cũng cần phải lưu ý giữ thật kĩ, luôn đầy đủ pin, tiền trong tài khoản để liên lạc khi cần thiết.
Đừng quá ham làm thêm
Thông thường các bạn cho rằng năm nhất việc học thường nhẹ hơn, thời gian rảnh cũng nhiều hơn, rồi nhiều bạn gia đình khó khăn quá nên chọn đi làm thêm. Nhưng thường chưa cân bằng được giữa việc làm thêm và việc học dẫn đến việc học bị sa sút.
Bên cạnh đó tân sinh viên mới ra TP, chưa hiểu rõ nhiều chiêu lừa đảo việc làm nên có thể dễ dàng sập bẫy. Lời khuyên cho bạn là nên tìm kiếm những công việc phù hợp, uy tín, có hợp đồng, cam kết rõ ràng…
Ngoài ra, mới bước vào quãng đường sinh viên, bạn hãy dành nhiều thời gian hào nhập với cuộc sống, làm quen với các bạn mới, học thêm kỹ năng mềm để hoàn thiện bản thân thay vì quá sốt sắng, lo lắng về việc đi làm thêm.
Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt đầu khóa
Tham gia các buổi sinh hoạt đầu khóa là dịp để tân sinh viên làm quen với bạn mới, các anh chị sinh viên khóa trước và các thầy cô. Đây cũng là cơ hội để bạn làm quen với môi trường học tập mới, tìm hiểu thêm về trường, các câu lạc bộ thú vị để tham gia.
Từ những buổi sinh hoạt này, bạn sẽ bắt đầu có thêm bạn mới. Từ đây lịch học, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sẽ có thêm người đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm…
Trên đây là một số lưu ý đối với tân sinh viên. Các bạn vốn đã ở TP có thể đã quá quen với nhịp sống thị thành nhưng những bạn ở quê lên sẽ khó tránh khỏi cảm xúc bỡ ngỡ, nhớ nhà… Hãy bình tĩnh, lạc quan và làm tốt từng chút một, cuộc sống sinh viên sẽ dần đi vào ổn định và đó chắc chắn sẽ là quãng thời gian đẹp, đáng nhớ nhất trong thanh xuân của mỗi người.