Những kỳ thi chuyển cấp từ trước đến nay luôn được đánh giá là quan trọng chẳng kém cạnh kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh đại học. Quan trọng là bởi một môi trường học tập có tiếng, chất lượng đào tạo tốt sẽ khiến các cô cậu học trò dễ dàng hiện thực hóa được ước mơ của mình trong tương lai. Thế nhưng đôi khi thực tế lại vô cùng nghiệt ngã.
Có những trường hợp các bạn học sinh không quản ngại ngày đêm, đổ không ít mồ hôi công sức để ôn luyện đèn sách rồi cuối cùng kết quả thu về lại không như mong đợi. Đắng cay hơn, việc đỗ hay trượt cấp 3 chỉ xoay quanh vỏn vẹn con số 0,25 điểm. Chỉ đơn giản là sai một câu trắc nghiệm hay một chi tiết nhỏ thôi là đã khiến cơ hội đỗ vào những trường cấp 3 yêu thích của các bạn trẻ vụt mất.
Thấu hiểu được điều này, thầy giáo Đỗ Anh Đức (giáo viên Ngữ văn, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) mới đây đã “gây bão” mạng xã hội khi viết lá thư động viên gửi đến cô học trò của mình không đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua.
Theo đó trong kỳ thi chuyển cấp vừa diễn ra cách đây không lâu, nữ sinh này đã không may khi trượt nguyện vọng 1 chỉ vì thiếu 0,25 điểm. Sau khi biết được kết quả, nữ sinh này òa khóc nức nở và phụ huynh cũng đã gọi điện vào lúc 23h đêm khiến thầy giáo phải giật mình.
Nguyên văn bức tâm thư của thầy Anh Đức như sau:
“Cuối cùng ngày ấy cũng đến - ngày công bố điểm chuẩn tuyển sinh. Một ngày ẩn chứa rất nhiều niềm vui và cả bi thương trong lòng của những người trẻ đang lớn.
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh hãnh diện khoe con đậu trường mong ước, tôi thấy tự hào lây. Nhiều cô cậu học trò tuổi 15 cười tươi, đổi ảnh đại diện bằng hình ngôi trường vừa đậu. Tôi thấy mừng. Nhưng tôi biết đâu đó, có những em trượt nguyện vọng 1 vì thiếu chút điểm, thậm chí có em trượt cả ba nguyện vọng, thất vọng như mất đi cả thế giới, không dám kể, đóng cửa phòng và khóc rất nhiều.
Vậy thì khóc đi em, khóc thật nhiều, thậm chí gào thét cũng được, không cần khoác lên vai mình chiếc áo của sự mạnh mẽ, không cần gồng mình để chứng tỏ điều gì. Và sau cái hôm vật vã ấy, mình sẽ lại bình yên.
Đừng day dứt quá lâu, đừng thất vọng quá nhiều, đừng ngược đãi cơ thể và hãy đối xử tử tế với chính mình, hãy giữ lại niềm tin cho giấc mơ tuổi trẻ. Nhưng em cũng đừng quên đi thất bại hôm nay, chấp nhận thất bại và hãy nghiêm túc lấy đó làm động lực để mạnh mẽ tiến về phía trước. Thất bại, thật ra chỉ là cơ hội để bắt đầu lại một cách thông minh hơn.
Hãy nhìn đi, Edison - từ đứa trẻ bị đuổi học vì 'đần độn' đã trở thành thiên tài thế kỷ, nhờ niềm đam mê khám phá của bản thân, trở thành người mang 'Mặt Trời thứ hai' cho nhân loại. Ông trải qua hơn 10.000 lần thử nghiệm thất bại mới mang lại ánh sáng bằng phát minh đèn dây tóc. So với Edison, cú ngã ngựa hôm nay của em, không là gì.
Hành trình trưởng thành của ai cũng sẽ có lúc vấp ngã, sai lầm hay lạc hướng. Không đi đường thẳng, mình đi đường vòng. Đích đến và thành công của cuộc đời mỗi người là khi được là bản thân, hạnh phúc với những gì mình vượt qua được. Tại sao em phải nản lòng nếu không bước vào được vào ngôi trường mà ta trông đợi? Thế gian này rộng lớn, em hãy tin rằng cánh cửa ngôi trường này khép lại nhưng hạnh phúc vẫn chia đều cho tất cả. Cớ gì mà em phải buồn bã nát lòng khi thanh xuân rực rỡ mới chỉ bắt đầu?
Bố mẹ, thầy cô, bạn bè vẫn ở đó, sẽ không ai quay lưng với em. Em hãy chạy đến và ôm họ một cái thật lâu, tựa vào họ sau tất cả những chông chênh vừa qua đi. Em không cần xin lỗi vì đã làm họ thất vọng mà hãy hứa sẽ thật bản lĩnh, cố gắng hết mình trong chặng đường mới, hãy vui vẻ với những trải nghiệm mới mẻ ở một ngôi trường khác. Biết đâu, sẽ có những thú vị bất ngờ chờ đón em để khám phá.
Mọi chuyện trên đời âu cũng đều là do lòng người có muốn hay không, nếu muốn sẽ tìm mọi cách vượt qua, nếu không muốn sẽ tự nhốt mình trong những ngày buồn bã. Mà rồi ai đau lòng? Mình chứ ai. Thầy biết cú ngã nào cũng đau, nhưng phải đứng dậy và bước tiếp. Cây non oằn mình đón trận bão đầu tiên trong đời, sẽ nghiêng ngả. Nhưng em thấy không, cổ thụ vững chãi cũng từng là một cây non.
Thầy mong được gặp các em của nhiều năm sau này, không cần phải trở thành người xuất chúng, chỉ cần thành công vừa đủ để sống một đời thật an yên.
Tôi mong các bậc cha mẹ đừng đặt lên vai con trẻ những kỳ vọng lớn lao, đừng so sánh con mình với con nhà người ta, hãy để con được là một đứa trẻ bình thường, giản dị và trong trẻo. Bởi suy cho cùng, thương một một người là được nhìn thấy họ ăn ngon, ngủ sâu, hạnh phúc và bình an thì mình đã yên lòng.
Hãy đến bên giường, vuốt lọn tóc mai trên gương mặt xinh xắn của con, đặt một nụ hôn lên vầng trán ương bướng tuổi 15 và thì thầm: "Con yêu, không cần con trở thành Edison hay Picasso, chỉ cần con bình an, hạnh phúc. Giấc mơ vẫn chưa khép lại”.
Tâm thư của thầy Đỗ Anh Đức ngay sau khi được chia sẻ đã chạm đến trái tim của nhiều người, đặc biệt là những cô cậu học trò nhỏ nằm trong hoàn cảnh tương tự như trên. Nhiều người dùng mạng đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của thầy giáo trẻ trên, đồng thời cho rằng, các bạn trẻ cũng đừng tự trách bản thân mình nữa vì suy cho cùng, những kỳ thi nhiều lúc chỉ là một cuộc chơi, mà cuộc chơi thì chắc chắn sẽ có kẻ thắng người thua.
Đôi khi việc bạn “dở dang” một điều gì đó chưa chắc là bạn đã thất bại mà chính nó sẽ mở ra cho bạn một hướng đi mới, một chân trời mới thậm chí là tốt hơn. Ông trời chưa bao giờ bất công với bất kỳ một ai và hãy luôn ghi nhớ một điều rằng, cánh cửa này khép lại thì chắc chắn một cánh cửa khác sẽ mở ra, và đấy chính là cơ hội để bạn sửa sai, hãy nắm bắt chúng thật tốt!