Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Sinh viên ngành Y và điều chưa kể: 'Mùi formol nồng nặc đến ám ảnh mỗi lần vào phòng thi thể thực hành'

"Cảm giác đầu tiên đó là mùi formol nồng nặc và gây ám ảnh nhất, nhiều bạn "yếu vía" không chịu nổi nên nhất thời có phản ứng sợ hãi là điều cực kỳ dễ thấy, dễ thấu hiểu. Tuy nhiên, sau đó, tất cả sinh viên đều phải tự trấn an bản thân và bước qua nỗi sợ hãi để lại gần thi hài", nam sinh ngành Y chia sẻ.

Có lẽ, với nhiều người, hình ảnh bác sĩ khoác trên mình chiếc áo blouse ân cần thăm khám cho bệnh nhân thật đẹp đẽ và khiến không ít người trong chúng ta thầm ngưỡng mộ.

Thế nhưng, để đào tạo nên một người bác sĩ vừa có tài vừa có đức, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các cô cậu sinh viên phải trải qua bao khổ luyện vất vả. 

Chỉ cần sử dụng một phép so sánh đơn giản nhất, chúng ta cũng thấy 6 năm học ngành Y là dài hơn nhiều so với các ngành khác. Chưa kể, với riêng ngành Y đòi hỏi mọi thứ phải chuẩn xác, bởi ngành nghề ấy liên quan đến tính mạng con người. 

Sinh viên ngành Y và điều chưa kể: 'Mùi formol nồng nặc đến ám ảnh mỗi lần vào phòng thi thể thực hành' Ảnh 1
Sinh viên ngành Y sẽ có nhiều vất vả nhưng cũng có những điều thú vị mà không phải sinh viên ngành nào cũng được trải nghiệm. Ảnh: Internet

Phải nói rằng, trở thành sinh viên ngành Y, bạn sẽ phải đối diện với những điều có thể trước đây chưa từng gặp. Có thể trước khi bước chân vào trường y, bạn chỉ là cô bé, cậu bé chỉ biết chăm chỉ học hành, thế nhưng, rồi sẽ đến thời điểm, các bạn sẽ phải tự tay cầm dao mổ mổ, rạch rạch trực tiếp trên cơ thể người trong giờ thực hành. Cả việc ngửi mùi phooc-môn, quan sát, thí nghiệm trên xác người ngày càng nhiều và thường xuyên dễ làm cho những ai yếu tim phải run sợ.

Chưa kể những đêm trực nhà xác bệnh viện, nơi chứa thi thể bệnh nhân đã chết, chỉ cần những tiếng động khẽ, tiếng gió rít cũng đủ làm bạn hoảng sợ, hồn vía lên mây do yếu tố tâm linh. Tất tần tật những trải nghiệm thực tế ấy sẽ được chính nam sinh Quách Tấn Tài (SN 1997, tỉnh Trà Vinh), hiện là sinh viên ngành Y Đa khoa khóa 2015 của trường Đại học Trà Vinh (TVU) chia sẻ. 

Sinh viên ngành Y và điều chưa kể: 'Mùi formol nồng nặc đến ám ảnh mỗi lần vào phòng thi thể thực hành' Ảnh 2
Quách Tấn Tài, sinh viên ngành Y Đa khoa trường Đại học Trà Vinh (TVU)

- Chào Tấn Tài, trong suy nghĩ của bạn, ngành Y Đa khoa là ngành học thế nào? Lí do gì khiến bạn chọn ngành học này?

Y Đa khoa là ngành học vô cùng thú vị mà đòi hỏi bản thân mỗi sinh viên phải có sự đam mê thì mới đi đến đích cuối cùng. 

Sinh viên ngành Y vừa phải đi học, đi thi, đi trực đêm ở bệnh viện... rất vất vả, bởi vậy, nếu ai không có đam mê thì rất dễ bỏ cuộc. Hơn nữa, trách nhiệm của bác sĩ là chữa bệnh cho bệnh nhân nên đòi hỏi kiến thức cũng như kỹ năng lâm sàng phải vững vàng thì mới tránh được những sai sót trầm trọng. 

Mình chọn Y Đa khoa vì đây là đam mê của mình, ước mơ được trở thành bác sĩ đã ấp ủ trong con người từ rất lâu. Một phần nhỏ nữa là vì mình thích màu áo blouse trắng. 

Sinh viên ngành Y và điều chưa kể: 'Mùi formol nồng nặc đến ám ảnh mỗi lần vào phòng thi thể thực hành' Ảnh 3
Tấn Tài trong thời gian thực tập tại một trạm Y tế xã

- Tấn Tài cũng như bạn bè của mình bắt đầu nhận lịch trực đêm tại bệnh viện từ khi nào? Cảm xúc những lần đầu tiên ấy như thế nào?

Khoảng học kỳ II của năm thứ 2 đại học, mình cùng các bạn đã có dịp thực hành điều dưỡng cơ bản và trực đêm tại bệnh viện ĐH Trà Vinh, đây quả thực là sự trải nghiệm mới mẻ đối với bọn mình.

Công việc tại các buổi trực tại khoa thời điểm này cũng khá đơn giản, chỉ bao gồm các bước cơ bản mà thôi. Cụ thể là khi tiếp nhận bệnh nhân mới vào khoa, bọn mình lấy sinh hiệu bao gồm mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, nếu bệnh nhân nào có khó thở thì sẽ lấy thêm SpO2.

Sinh viên ngành Y và điều chưa kể: 'Mùi formol nồng nặc đến ám ảnh mỗi lần vào phòng thi thể thực hành' Ảnh 4
Tấn Tài cùng các bạn của mình trong thời gian đi thực tập tại các cơ sở y tế

- Những khó khăn mà Tài và các bạn gặp phải khi trở thành sinh viên ngành Y là gì?

Đầu tiên về chỗ ngủ, riêng bản thân mình, có thể nói, suốt từ bé đến Đại học, mình chưa từng phải rời xa chiếc giường của mình, thế nhưng, khi bắt đầu những ca trực đêm, mọi thứ đã được thay đổi. Có hôm thì xếp 3,4 chiếc ghế lại rồi đặt lưng xuống và đi vào giấc ngủ; hôm nào không có ghế thì bất kỳ nền gạch trống, nơi đó đều là chỗ ngủ của bọn mình.  

Bên cạnh đó, việc học trên phòng thực hành và việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cũng khiến bọn mình gặp nhiều bối rối. Tuy nhiên, nhờ vào sự hướng dẫn của các bác sĩ trong kíp trực và sự chỉ bảo của các anh chị điều dưỡng nên bọn mình cũng có thêm nhiều kỹ năng để làm hài lòng các bệnh nhân. 

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Tấn Tài trong khoảng thời gian thực tập tại bệnh viện là gì?

Năm thứ 4 Đại học, mình đi học lâm sàng vòng Nội – Ngoại bệnh lý tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre). Lúc này, mình đến khoa cấp cứu và có cơ hội được hỗ trợ các bác sĩ thực hiện hồi sinh tim phổi, ca bệnh này tỉ lệ sống sót là 50/50 bởi bệnh nhân có thể vượt qua được cơn nguy kịch nhưng cũng có thể sẽ ra đi mãi mãi.

Lúc nhìn thấy bệnh nhân trong phòng mổ, còn người nhà ở bên ngoài thì xót xa vì lo lắng, mình bất giác buồn rất nhiều. Quả thực, đối mặt với sự sinh ly tử biệt với người thân của mình, đây là cảm giác khó tả vô cùng. Cũng từ đây, mình tự hứa sẽ luôn cố gắng học tập để cứu sống được nhiều bệnh nhân.

Sinh viên ngành Y và điều chưa kể: 'Mùi formol nồng nặc đến ám ảnh mỗi lần vào phòng thi thể thực hành' Ảnh 5
Trong thời gian đi thực tập tại các bệnh viện, Tấn Tài có dịp chứng kiến nhiều hoàn cảnh của các bệnh nhân, bên cạnh đó, nam sinh cũng được dịp tiếp xúc với các người thầy giỏi giang. 

Cũng tại bệnh viện này, khi đi đến khoa sản, mình có cơ hội vào phòng sinh, khi chứng kiến những đứa trẻ bụ bẫm ra đời khiến mình cảm thấy rất hạnh phúc. Điều đó thật tuyệt!

Hiện tại, mình đang là sinh viên năm cuối nên đã chuyến đến Bệnh viện Thống Nhất TP. HCM để thực tập. Với mình, đây là cơ hội học tập lớn, bởi mỗi ngày mình được gặp gỡ và học hỏi cùng các giáo sư, phó giáo sư,…được vào phòng phẫu thuật xem những trường hợp bệnh tưởng chừng như không bao giờ được nhìn thấy, được học cách giao tiếp, thay đổi môi trường học tập,… Tất cả mọi điều này sẽ giúp cho bản thân mình được trưởng thành hơn. 

- Vậy khi lần đầu cầm dao và thực hành mổ trực tiếp trên cơ thể người, cảm giác lúc ấy ra sao?

Lần đầu mổ trực tiếp trên cơ thể người có thể nhắc đến năm nhất, khi bọn mình có tiết thực hành của môn Giải phẫu và thầy dẫn lên phòng thi hài - đây là nơi bảo quản những thi hài của những người cao cả đã hiến thân mình cho Y học. 

Cảm giác đầu tiên đó là mùi formol nồng nặc và gây ám ảnh nhất, nhiều bạn "yếu vía" không chịu nổi nên nhất thời có phản ứng sợ hãi là điều cực kỳ dễ thấy, dễ thấu hiểu. Tuy nhiên, sau đó, tất cả sinh viên đều phải tự trấn an bản thân và bước qua nỗi sợ hãi để lại gần thi hài. 

Sinh viên ngành Y và điều chưa kể: 'Mùi formol nồng nặc đến ám ảnh mỗi lần vào phòng thi thể thực hành' Ảnh 6
Có lẽ, không chỉ riêng Tấn Tài mà với nhiều sinh viên ngành Y, những trải nghiệm thời sinh viên sẽ không thể nào quên. 

Khi thầy giáo bắt đầu chỉ bóc tách các lớp cơ để bọn mình quan sát thì khác xa với tưởng tượng, vì sách vở mô tả chi tiết, sử dụng hình ảnh và màu sắc dễ liên tưởng còn trên người thật thì nhìn chỉ nhận ra vài cơ quan, còn lại thì thật là khó khăn để xác định. 

Đến năm 4, mình có nhiều cơ hội để vào phòng mổ hơn, lúc đầu được hỗ trợ đưa dụng cụ rồi dần dần được khâu vài mũi chỉ rời. Cảm giác lúc đó thật tuyệt.

Ngoại khoa đòi hỏi tính tỉ mỉ cao nên trong quá trình đi lâm sàng khoa Ngoại, bọn mình cũng tranh thủ quan sát những cuộc phẫu thuật để trau dồi kiến thức và chăm chỉ học tập hơn nữa để sau này có thể giúp đỡ tối đa và hạn chế sai sót trên bệnh nhân của mình. 

- Tương lai Tấn Tài sẽ trở thành một bác sĩ, vậy điều gì khiến bạn luôn đau đáu khi đang ngồi trên ghế nhà trường? 

Mình chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành một bác sĩ tốt, có thể dùng kiến thức mình học được để điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh là vui và hạnh phúc lắm rồi! 

Điều khiến em đau đáu tự nhắc nhở bản thân là lấy y đức làm đầu, khi không giúp được thì không nên làm tổn hại thêm bệnh nhân của mình, cứu tính mạng bệnh nhân là trách nhiệm suốt đời của mình. 

Xin cảm ơn Tấn Tài về cuộc trò chuyện này, chúc bạn sẽ đạt mọi nguyện ước của mình trong tương lai!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV