Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Sinh viên lừa cha mẹ 'đi du học', lấy mấy trăm triệu nghi đi bán hàng đa cấp

Theo Tuổi trẻ Online Theo dõi Saostar trên google news

Sinh viên nói với gia đình là có học bổng du học và xin thêm số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để làm hồ sơ, sau đó 'biến mất', nghi đi bán hàng đa cấp.

Đó là tình cảnh của nhiều phụ huynh có con học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đang gặp phải. Điều khiến phụ huynh lo lắng hơn là hiện họ vẫn không liên lạc được với con, không biết con mình đang ở đâu.

Nhận “học bổng khủng” nhưng phải… bảo mật thông tin

Ngày 21-10, bà N.T.L. (Bình Thuận) phản ảnh với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM việc nhiều ngày qua bà không liên lạc được với con, trước đó là sinh viên K19 khoa điện điện tử.

Đồng thời, bà L. cho biết khoảng cuối tháng 9-2019, con trai bà về nhà và báo tin vừa trúng tuyển chương trình “học bổng khủng” du học Canada trị giá 80.000 USD/4 năm, trong khi học phí thực tế của chương trình gần 100.000 USD/năm, nên sinh viên phải đóng khoản chênh lệch hơn 18.000 USD. Do vậy, con bà xin thêm hơn 400 triệu đồng để làm hồ sơ đi học nước ngoài.

“Tìm hiểu thông tin về chương trình học bổng này, tôi thấy đúng là có nhưng việc con có trúng tuyển chương trình học bổng này hay không tôi không kiểm tra được. Con tôi có mang thư của trường đề cử nhận học bổng, nhưng không cho tôi mượn giấy tờ để kiểm tra vì nói thông tin bảo mật.

Tôi chạy khắp nơi mượn tiền gom chỉ được 110 triệu đồng chuyển vào tài khoản của con để làm thủ tục visa. Sau đó, nó bảo chỉ kéo dài thời gian làm visa thêm được ba ngày nên yêu cầu tôi phải có đủ 420 triệu đồng…” - bà L. kể.

Sau khi chuyển tiền, bà L. mới gọi điện thoại vào hỏi nhà trường thì biết tại trường không có thông tin về chương trình học này. Bà liên lạc với ngân hàng để yêu cầu đóng tài khoản, nhưng khi kiểm tra thấy toàn bộ số tiền đã bị rút sạch.

Bà L. nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho con trai nhưng không được. Vài ngày sau, con bà gọi cho bà qua Zalo báo: “Con xin lỗi mẹ và xin mượn số tiền này để đi tạo dựng tương lai” nhưng không biết con mình hiện ở đâu, làm gì và có an toàn hay không.

Bà L. nói sẽ báo công an vì lo lắng thì con bà nhắn lại: “Làm như vậy sẽ không bao giờ gặp lại con nữa. Mẹ muốn cả nhà mình chết hay sao?”.

Nghi sinh viên dính bẫy tiền ảo, bán hàng đa cấp

Giảng viên khoa đào tạo chất lượng cao cho biết có một số trường hợp tương tự như sinh viên trên và dự đoán có thể sinh viên bị dụ dỗ, bỏ học theo kinh doanh đa cấp hay vay tiền chơi cờ bạc… Trong khi đó, nhiều giảng viên khác của trường cũng cho hay hiện đang có các nhóm người lôi kéo sinh viên tham gia chơi tiền ảo.

ThS Nguyễn Thị Thủy - cán bộ Trung tâm dịch vụ sinh viên cho trường - chia sẻ: “Rất nhiều sinh viên tham gia và nhiều gia đình điêu đứng vì con bỏ bê học hành, tiền cũng mất luôn. Có hai trường hợp sinh viên tôi giúp đỡ được vì biết phụ huynh của hai bạn này. Sau khi thoát ra được thì các bạn nói là như bị bỏ bùa, không điều khiển được mình”.

Theo TS Nguyễn Văn Long Giang - phó trưởng khoa đào tạo chất lượng cao, trước đó tại khoa này đã xảy ra trường hợp tương tự: một sinh viên nữ quê ở Đồng Tháp đã nói dối gia đình chuyển hơn 300 triệu đồng để đi du học.

Sinh viên này đã làm giả giấy tờ của Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế nhà trường thông báo đóng tiền các chương trình du học - liên kết với một ĐH ở Anh với địa chỉ liên hệ, tên người quản lý chương trình và số điện thoại giả mạo. Phụ huynh sinh viên đã gọi điện thoại kiểm tra và được báo là sinh viên được nhận học bổng chỉ phải đóng học phí 50%!

Theo lãnh đạo nhà trường, nhiều khả năng có một nhóm người chuyên làm giả giấy tờ theo cách này để lừa đảo và dụ dỗ sinh viên. Ở trường hợp này, gia đình đã liên hệ nhiều lần với người liên hệ để được tư vấn, cuối cùng quyết định chuyển hơn 300 triệu đồng vào tài khoản của sinh viên để đóng tiền học.

Sau đó, gia đình nghi ngờ nên lên trường hỏi trực tiếp, phát hiện không đúng, báo ngân hàng đóng tài khoản sinh viên, gọi cho người liên hệ nhưng không liên lạc được, gọi cho sinh viên thì tắt máy. Tài khoản của sinh viên thì không còn tiền. Gia đình đã báo công an, cung cấp hết giấy tờ và báo sinh viên mất tích.

“Cách đây mấy tháng, gia đình cũng gọi lên hỏi sinh viên có đi học, đi thi không nhưng sinh viên này đã nghỉ học. Gia đình có nhắn tin qua lại được với sinh viên nhưng không biết đang ở đâu. Thông qua một số nguồn tin, gia đình đoán là sinh viên đang bán hàng đa cấp” - ông Đặng Hữu Khanh, phó phòng tuyển sinh và công tác sinh viên nhà trường, cho biết thêm.

Chưa ngăn chặn được

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Năm trước ở trường cũng đã xảy ra một vài trường hợp tương tự. Chúng tôi đã ra thông cáo báo chí là không có chương trình liên kết như vậy.

Qua các sự việc trên, có thể thấy việc lừa gia đình đóng tiền du học đã xảy ra thường xuyên. Có thể có nhóm người lừa sinh viên vào đường dây bán hàng đa cấp và chuẩn bị kịch bản giống nhau như vậy. Nhà trường cũng đã làm một số biện pháp, nhưng có vẻ không ngăn chặn được việc này”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Tuổi trẻ Online

Được quan tâm

Tin mới nhất