Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Sinh viên 'lăn xả' đi làm thêm để đổi lấy mức lương 'bèo bọt' 10.000 đồng/giờ liệu có đáng?

Hiện nay, nhiều sinh viên thiếu bản lĩnh và kỹ năng xin việc làm thêm phải chấp nhận một đồng lương ít ỏi và thường xuyên bị chủ bắt nạt. Hơn thế, công việc làm thêm không phù hợp khiến sinh viên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học và sức khỏe.

Những năm tháng đại học, bên cạnh chuyện bài vở trường lớp, ắt hẳn sinh viên nào cũng mong muốn tìm một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống, học hỏi kinh nghiệm cũng như mở rộng mối quan hệ,… Thế nhưng thực tế, rất nhiều sinh viên do thiếu kỹ năng sàng lọc công việc làm thêm phù hợp dẫn đến những tình huống lợi bất cập hại.

Bạn Huy, sinh viên năm 2 trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM chọn làm thêm ở một quán nước mía giải khát

Nhận đồng lương rẻ bèo nhưng thường xuyên bị bắt nạt 

Những công việc làm thêm như: phục vụ quán cà phê, rửa chén đĩa, chạy nhà hàng tiệc cưới hay bán sim,… được rất nhiều sinh viên chọn để làm thêm trong thời gian rảnh vì sự hấp dẫn về mặt thời gian. Tuy nhiên, chấp nhận làm những công việc này cũng nghĩa với việc sinh viên sẽ nhận được đồng lương thấp hơn so với mặt bằng chung và không tránh khỏi bị bóc lột sức lao động.

Một nhóm sinh viên bán sữa thuê ở đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM

Bạn Diệu Linh, sinh viên năm 4 trường đại học Kinh tế Luật TP.HCM tâm sự: “Đầu năm nhất mình đã đi làm thêm ở chợ đêm làng đại học. Vì lúc đấy ban ngày lịch học của mình khá kín nên mình chỉ đi làm thêm được vào ban đêm. Ngày nào cũng 4 rưỡi - 5 giờ chiều mình phải dọn hàng ra, làm tất bật đến 11 giờ đêm mới được về, có hôm về muộn phải năn nỉ các chú bảo vệ ký túc xá cho vào, vậy mà cũng chỉ được 60 ngàn đồng mỗi ngày. Nhiều hôm sơ hở tính nhầm tiền cho khách mình buộc phải lấy tiền túi ra bù hoặc chịu trừ lương. Được một thời gian thì mình xin nghỉ vì quá cực, không có thời gian học nhất là vào mùa thì cử“.

Tìm được một chỗ làm, một người chủ tốt tính, dễ chịu là may mắn, thực tế nhiều bạn sinh viên phải rơi vào tình cảnh éo le, cắn răn chịu đựng khi gặp phải chủ quá khắt khe.

Mình làm thêm ở một quán cà phê trong làng đại học. Quán chỉ có một mình mình là nhân viên nên mọi việc từ pha chế đến phục vụ, thu ngân, rửa ly tách đều một tay mình làm nhưng lương cũng chỉ được 12 ngàn đồng/giờ. Đôi khi đuối quá mình ngồi nghỉ mệt một tí là có người đến săm soi nói móc khóe rằng nhân viên gì mà sàn dơ, bếp bẩn không lo dọn mà cứ thấy ngồi chơi rồi hăm he trừ lương. Mình cũng nhịn đắng nuốt cay vì muốn có đồng ra đồng vào, với nghĩ không có xe cộ tìm được chỗ làm nào gần gần là tốt rồi, thôi ráng“, bạn Nguyễn Thu Hoài, sinh viên năm 2 trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM cho biết.

Một nữ sinh viên ngồi giữa trưa nắng để bán sim thuê

Thậm chí, nhiều bạn sinh viên vì quá ngây ngô tin vào các tin tuyển dụng lương cao, môi trường làm việc nhẹ nhàng thoải mái mà không tìm hiểu kỹ các thông tin việc làm trên mạng dẫn đến sập bẫy các nhà tuyển dụng lừa đảo. Tuyển nhân viên bán thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng lương 10-12 triệu/tháng; Tuyển nhân viên rạp chiếu phim đi làm ngay ca 4 tiếng lương 6-8 triệu/ tháng,… tất cả là những lời mời dụ đầy hấp dẫn.

Bạn Phương Trang, sinh viên năm nhất trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM chia sẻ: “Đợt đầu năm học, mình thấy tin đăng tuyển người đi bán sim 200 ngàn/ngày, bao ăn trưa, không áp đặt doanh số, bán được từ cái thứ 5 trở lên thưởng 20% hoa hồng.

Lúc đó ngây thơ chỉ nghĩ cuối tuần cũng rảnh nên mình rủ hai bạn chung phòng nữa đi làm chung cho vui vì 'không bán được cái nào cũng được 200 ngàn, đi làm cho khỏi phí ngày chủ nhật'. Bữa đó tụi mình bắt xe từ Thủ Đức qua Tân Bình, đi từ sáng tới chiều nắng nôi chỉ bán được một cái. Đến khi về nhận lương thì bị lật lọng bảo rằng ngày đầu sẽ cho thử việc chứ không lương lậu gì, không bán được cái nào mà đòi lương. Rốt cuộc tụi mình phải tốn một số tiền vào ăn uống, chi phí đi lại cho ngày hôm đó. Đúng là dở khóc dở cười“.

40% sinh viên không thể học xong Đại học - Mải đi làm thêm là một trong những lý do

Một trong những công việc thường được sinh viên chọn làm là phát tờ rơi

Theo thống kê mới nhất, có tới 40% sinh viên không học xong Đại học. Riêng tại TP.HCM, số lượng sinh viên bị buộc thôi học khiến nhiều người giật mình. Nhiều trường ĐH đuổi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên chỉ trong học kỳ.

Chẳng hạn, theo thống kê ĐH Nông Lâm TP.HCM có khoảng 600 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, dẫn đến bị buộc thôi học (cả tự nguyện và bắt buộc), chiếm tỷ lệ khoảng 4%-5% tổng số sinh viên đào tạo. ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm học 2016-2017 cũng buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em.

ĐH Giao thông vận tải TP.HCM riêng học kỳ I năm học 2016-2017 bất ngờ cảnh báo học vụ 1.888, buộc thôi học đối với hơn 180 trường hợp chỉ trong một học kỳ.

Một trong những lý do rất đáng lưu tâm dẫn đến thực trạng sinh viên bị đuổi học như cơm bữa là do định hướng sai, mắc bẫy và say lầy vào các ổ đa cấp, hoặc mải mê đi làm thêm chểnh mảng chuyện học hành dẫn đến không tham gia đủ số tiết học yêu cầu và bị buộc phải thôi học,…

Nhiều sinh viên làm thêm quá sức dẫn đến suy kiệt sức khỏe, bị đồng tiền chi phối dẫn đến bỏ bê việc học. Trên thực tế, những công việc làm thêm chân tay thường được các bạn sinh viên chọn làm vào ban đêm nhằm tránh kẹt lịch học. Để rồi, mỗi ngày về nhà vào lúc khuya muộn không có thời gian chuẩn bị bài vở chu đáo, đến lớp luôn trong tư thế mệt mỏi “ngủ gà ngủ gật” không nắm được kiến thức, thậm chí thường xuyên cúp học vì “mệt dậy không nổi”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn vì quá ham đi làm cũng tự huyễn hoặc với bản thân rằng “môn này cũng chẳng có gì, thôi đi làm có tiền còn có ý nghĩa hơn” mà quên mất mục đích chính của các bạn vẫn đang là học tập.

Các bạn nam thường chọn chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập

Không thể phủ nhận việc đi làm thêm sẽ mang lại rất nhiều thứ cho sinh viên nhưng chỉ khi chọn được một công việc phù hợp. Chẳng hạn, một sinh viên ngành báo chí - truyền thông nên tìm một chân cộng tác cho một cơ quan báo chí nào đó để vừa có thể có được được cọ xát thực tế vừa mở rộng mối quan hệ; sinh viên công nghệ thông tin có thể ứng dụng những bài học của mình để xin vào các vị trí trong một cửa hàng điện tử; học tiếng Hàn Quốc học có thể dạy tiếng Hàn cơ bản cho người muốn học hoặc nhận dịch thuật,… Không chỉ có thu nhập cao hơn, những công việc này còn giúp bổ trợ cho việc học trên lớp và giúp sinh viên hoàn thiện bản thân.

Đừng bao giờ có suy nghĩ “chọn đại”, “việc nào mà chả như nhau miễn là có tiền”. Hãy xem công việc làm thêm thời đại học như là một bước đệm cho công việc tương lai để lựa chọn một công việc phù hợp nhất.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc