Giáo viên chủ động lựa chọn phương pháp, kiến thức để giảng dạy
Giờ học Giáo dục thể chất của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định, tỉnh Nam Định), cô giáo Trần Thị Phương Nhung hướng dẫn học trò các động tác vận động cơ thể, rèn luyện đội hình, đội ngũ, tham gia các trò chơi vận động.
Học sinh còn được tìm hiểu về một số loài vật mà giáo viên đã khéo léo lựa chọn những con vật có tên gọi chứa vần mà các em đã học ở môn tiếng Việt, giúp học sinh vừa rèn luyện thể chất, vừa lĩnh hội kiến thức các môn học khác. Nội dung bài giảng này, dễ nhận thấy là không hề được cụ thể hoá trong bất kỳ một cuốn sách giáo khoa nào.
Ngoài tích hợp nội dung kiến thức trong môn Tiếng Việt, ở các giờ học khác, cô giáo Phương Nhung còn linh hoạt lồng ghép kiến thức môn Âm nhạc, Tự nhiên và xã hội… để giờ học Giáo dục thể chất trở nên phong phú, thú vị và mang đến nhiều tri thức hơn cho học sinh hơn.
“Những ý tưởng mà chúng tôi muốn đem vào giờ học, giờ có thể mạnh dạn đưa vào, bởi chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình mở, trao quyền cho giáo viên chủ động xây dựng và tổ chức kế hoạch bài giảng”, giáo viên Trần Thị Phương Nhung nói.
Cô nhận định, chương trình GDPT 2018 đã phát huy khả năng sáng tạo cho thầy cô; đồng thời đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự học, tự đổi mới dựa trên đặc điểm của nhà trường, của học sinh, từ đó có những phương pháp, bài giảng phù hợp, bảo đảm yêu cầu cần đạt của môn học.
Giờ ôn tập kiến thức môn Toán tại lớp 1A6 trường Tiểu học An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), thay vì cho học sinh quan sát sách giáo khoa rồi tự điền đáp án vào vở bài tập, cô giáo Lê Thị Thảo tổ chức cho lớp chơi trò chơi.
Cô đưa ra câu hỏi rồi mời một học sinh lên bảng tìm đáp án đúng trong các hình được chiếu trên bảng điện tử. Học sinh trả lời xong, thay vì giáo viên nhận xét đúng-sai thì tự em sẽ mời các bạn dưới lớp nhận xét phần đáp án của mình. Cứ thế, tiết học trôi qua trong không khí sôi nổi, hào hứng của những “nhân vật chính” là các cô cậu học trò nhỏ.
Ở tiết học này, học sinh được nói, được làm nhiều hơn. Giáo viên chỉ còn vai trò là người hướng dẫn và khuyến khích các em tham gia các hoạt động để tự tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức và hình thành các năng lực, phẩm chất cần thiết.
"Cá nhân tôi rất thích chương trình mới, bởi nó giúp giáo viên chủ động tư duy, sáng tạo, được xây dựng giáo án dựa trên đặc điểm học sinh và tổ chức dạy học với phương pháp, hình thức phù hợp với học trò", giáo viên trường Tiểu học An Lư - Lê Thị Thảo nói.
Để giáo viên được chủ động, sáng tạo trong các bài dạy, chương trình mới cũng trao quyền chủ động cho các nhà trường trong xây dựng kế hoạch giáo dục năm học, đổi mới quản trị trường học.
Thực hiện điều này, ở trường Tiểu học An Lư (Hải Phòng), ban lãnh đạo đã chỉ đạo các tổ khối bộ môn, đặc biệt giáo viên khối lớp 1 xây dựng chương trình dạy học của 35 tuần. Trong đó, nhà trường cho phép thầy cô được chủ động điều chỉnh kế hoạch, sao cho phù hợp với tình hình dạy học thực tế, phù hợp đặc điểm của nhà trường, địa phương mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung chương trình trong năm học.
Không còn chuẩn đầu ra cho từng bài học trong sách giáo khoa. Không cần phải dạy đúng y chang nội dung các bài học trong sách. Không còn đúng giờ này, ngày này, học sinh cả nước cùng học một bài trong sách giáo khoa.
Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ còn là tài liệu dạy học; chương trình mới là “cốt lõi”, là “pháp lệnh” để giáo viên thực hiện theo. Nhưng pháp lệnh ấy lại rất cởi mở, trao quyền tự chủ chuyên môn cho người dạy. Đây là điều mà không chỉ cô Phương, cô Thảo mà đông đảo giáo viên đang dạy lớp 1 ở các tỉnh thành khác rất tâm đắc với chương trình.
Học sinh tự tin, chủ động hơn khi học chương trình mới
Với sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên, các giờ học giờ đây cũng trở nên sôi động, thú vị hơn, kích thích sự hứng thú học tập của học trò và người hưởng lợi cuối cùng từ sự đổi mới ấy chính là người học.
Cô Lê Thị Thảo - trường Tiểu học An Lư (Hải Phòng) cho biết, sau 2 tháng học theo chương trình mới, các học sinh lớp 1 năm nay tự tin, vui vẻ và chủ động trong học tập hơn. Giáo viên Đinh Duyên Thịnh - trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long (Thanh Oai, Hà Nội) cũng được nhiều phụ huynh tâm sự rằng con thích học, thích viết, có ý thức học tập hơn.
Sự thay đổi của thế hệ học sinh lớp 1 người dân tộc Dao năm nay là điều mà giáo viên, phụ huynh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) dễ nhận thấy.
Cô giáo Bàn Thị Hương - giáo viên dạy lớp 1 cho biết, học trò của cô sau 2 tháng học chương trình mới tự tin, hoạt bát hơn. Các em đã mạnh dạn giơ tay phát biểu ý kiến, hào hứng tham gia các hoạt động trải nghiệm, trò chơi mà giáo viên đã linh hoạt tổ chức để thay thế cho bài luyện tập.
Đây là điều mà nhiều năm dạy học ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) - nơi 100% học sinh là người dân tộc Dao vốn rụt rè, nhút nhát, cô Hương khó thấy được.
“Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tính thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, giúp học trò hứng thú học tập, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp hơn. Đó là điểm rất tích cực mà chương trình bước đầu đã mang lại cho học sinh người dân tộc thiểu số”, giáo viên Bàn Thị Hương nói.