Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Phát hiện F0 ở trường, có nên cho nghỉ học toàn bộ?

Hiện nay, nhiều địa bàn cấp độ dịch 1, 2 đã cho học sinh đến lớp trực tiếp. Tuy nhiên, khi có F0 trong trường học, các địa phương tỏ ra bối rối.

Cả nước hiện có 28 tỉnh, thành phố trong cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ ngày 15/11. Tuy nhiên, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh.

Một số trường học vừa đón học sinh trở lại đã phải phong tỏa do phát hiện ca F0 trong trường. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo để hướng dẫn các địa phương tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp.

Phát hiện F0 ở trường, có nên cho nghỉ học toàn bộ? Ảnh 1
Thứ trưởng Ngô Thị Minh (áo đỏ) nhấn mạnh các địa phương phải tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Ảnh: MOET.

Tạo điều kiện để học sinh ở địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 học trực tiếp

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết để hỗ trợ các tỉnh, thành trong việc ra quyết định liên quan đến hoạt động dạy học ở địa phương, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, bộ đã có công văn với sự thống nhất ý kiến của Bộ Y tế, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, tương ứng các cấp độ dịch.

Tuy nhiên, thực tế mỗi địa phương đang triển khai theo một cách khác. Việc thực hiện nguyên tắc 5K, trong đó đặc biệt là đeo khẩu trang, giãn cách trong trường học, cách ứng xử khi có F0 trong trường học… cũng mỗi nơi mỗi khác.

Việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng kế hoạch và chất lượng.

Để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp.

Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tuyến ảnh hưởng sức khoẻ tâm lý học sinh.

Phát hiện F0 ở trường, có nên cho nghỉ học toàn bộ? Ảnh 2
Xét nghiệm cho học sinh ở Hà Nội. Ảnh: V.H.

Phong toả khu vực hẹp thay vì toàn trường khi xuất hiện F0

Tại hội nghị, đại diện ngành giáo dục của một số địa phương thừa nhận có sự bối rối khi thực hiện quy định phòng dịch trong trường học, đặc biệt là cách xử lý khi phát hiện ca mắc Covid-19.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Châu Hoài Thu cho biết với sĩ số học sinh quá đông, các trường học ở địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả rất khó để tổ chức lớp học đảm bảo giãn cách. Đây cũng là thế khó của Bình Dương, địa phương có sĩ số học sinh/lớp đông, thuộc diện đứng đầu cả nước (trên 50 học sinh/lớp, trong khi quy định là 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học).

Việc giáo viên, học sinh phải đeo khẩu trang trong toàn thời gian học tập tại trường (trừ lúc ăn ngủ bán trú) được Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện nghiêm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn ngủ bán trú, yêu cầu này gây khó cho các bé.

Nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học để vừa hiệu quả, vừa khả thi, an toàn, cũng như việc xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 để thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Giải đáp các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn thông tin của tổ chức WHO cho biết chưa thể dự báo dịch Covid-19 khi nào mới kết thúc và thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không. Trong tình hình đó, các nước đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ chỗ quyết tâm không có virus chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. Theo đó, 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học.

Theo những quy định phòng dịch mới, công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch không còn cứng nhắc. Vì thế, ông cho rằng địa phương cũng cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã.

Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung.

Thay vì thực hiện phong toả toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói có thể chỉ phong toả lớp học/tầng học/toà nhà có F0. Sau 24 giờ khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức lại hoạt động.

“Đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ông đề nghị các tổ chức chính quyền địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch từng trường; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế học đường, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc trường ngoài công lập.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết zing.vn

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất