Từng bị gọi là yêu quái và hành trình gian nan để biến lời miệt thị thành động lực sống tích cực
Người ta thường nói, “không có người phụ nữ xấu chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp” bởi vì đã là con gái, sinh ra ai cũng một nét đẹp riêng. Nếu không hiểu về họ, không cảm nhận được ánh hào quang do họ tỏa ra thì chúng ta cũng đừng vội phán xét một ai đó. Hơn nữa, phụ nữ trên đời này, chẳng ai muốn mình bị chê là xấu xí.
Vậy mà có những người ngay đến nỗi lòng đơn giản ấy của phái đẹp cũng không hiểu được. Chẳng những chê bai người khác, họ còn thẳng thắn miệt thị, sát thương cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Huyền (SN 1990, năm thứ 4, ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM) là xấu như yêu quái, quỷ dạ xoa.
Lời chê bai nhan sắc với một người con gái bất kỳ đã là điều khó chấp nhận nhưng chê đến mức miệt thị, khinh ghét, với cô gái yếu đuối, khuyết tật như Huyền thì lại càng khó chấp nhận hơn. Những câu nói ấy sắc lẹm như dao cứa vào tim. Nó không chỉ khiến Huyền tự ty hơn về bản thân mà còn trở thành bức tường rào vô hình, ngăn cách cô hòa nhập với thế giới xung quanh.
“Trước kia mình từng bị bạn bè gọi là yêu quái. Lúc đó, mình đã buồn và khóc nhiều lắm. Trong đầu cứ hỏi tại sao lại như vậy rồi thấy bất lực, buồn và cô đơn”, Huyền kể.
Trong những lúc cô đơn và tuyệt vọng như thế, động lực duy nhất của Huyền chính là ba mẹ. Cô hiểu rằng, sinh con ra khuyết tật, họ đã đau lòng biết bao nhiêu. Nếu như Huyền còn chán nản, không có ý chí phấn đấu thì có lẽ, ba mẹ cô sẽ phải khóc tới cạn nước mắt.
“Mình nghĩ về ba mẹ và thấy ngưỡng mộ họ bởi bấy lâu nay, thay vì buông xuôi theo số phận, ba đã vẽ nên con đường tươi sáng cho mình. Ông luôn truyền suy nghĩ sống tích cực cho con và dù mình khuyết tật nhưng ba không ngại ngần coi mình là niềm tự hào nhất trong cuộc đời này“, Huyền kể.
Cứ như thế, gia đình dần trở thành nền tảng tinh thần vững chắc để rồi dù có kinh qua khó khăn, tủi hờn, Huyền cũng chưa bao giờ có ý nghĩa buông xuôi. Buồn vì bi các bạn chê bai nhưng cô gái mạnh mẽ ấy đã nhanh chóng biến nó thành động lực để sống tốt hơn, từng ngày, từng giờ chứng minh định kiến mọi người áp đặt cho mình chỉ là một sai lầm không đáng có.
“Bị gọi là yêu quái thì mình cũng tự nhận là yêu quái luôn và lập luận với các bạn rằng, trong phim, yêu quái thường rất xinh đẹp, quến rũ”, Huyền cười.
Cô bạn tin rằng, trong cuộc sống này nếu chẳng may ông trời ban cho mình một ván bài xấu thì điều quan trọng nhất là phải học trở thành người chơi giỏi. “Người khuyết tật thì phải cố gắng hơn người bình thường rất nhiều. Mình hiểu và chấp nhận điều đó cũng như tin rằng, còn có rất nhiều người khổ hơn mình nhưng họ đã và đang làm nên những thành công khiến người khác phải nể phục”.
Triết lý sống mà Huyền đề cao đó là: “Đẹp không chỉ ở nhan sắc mà đi cũng chẳng phải chỉ nhờ có đôi chân”. Cô tin rằng, giống như một hộp quà có vỏ bọc rất đẹp nhưng món quà bên trong lại quá nhạt nhẽo thì đó cũng chỉ là một vật phẩm kém gái trị. Con người cũng như vậy, nếu có ngoại hình hào nhoáng mà trí tuệ nông cạn thì thật là điều đáng buồn.
“Mình tin vào vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ và cũng tin rằng, thứ giúp mình đi xa chính là 2 điều ấy. Đôi chân chỉ nâng bước về mặt vật lý, đi theo nghĩa đen còn muốn giỏi giang, tiến xa hơn thì bộ óc mới là điều quan trọng“, nữ sinh khẳng định.
Sáng lập CLB thiện nguyện Ánh Trăng với ước mong truyền đi ngọn lửa yêu thương và tinh thần lạc quan đến mọi người
Bị khuyết tật teo tóp tay chân nên Huyền di chuyển khó khăn. Dù vậy, gia đình vẫn cố sức cho cô đi học. “Bố mẹ tự dạy mình học đến năm lớp 4 thì đưa tới trường. Bây giờ mình 28 tuổi rồi mới là sinh viên năm 4 thôi. Chậm hơn mọi người nhiều nhưng cũng là thành quả của bão nỗ lực”, Huyền kể.
Vừa đi học, Huyền còn thành lập CLB tình nguyện Ánh Trăng để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Những ngày đầu mới thành lập, CLB của Huyền không có nhà tài trợ, không có người dẫn dắt, chỉ có duy nhất sự đoàn kết từ những người bạn cùng nhau xây dựng kết hoạch và quyết tâm thực hiện nó. Huyền kể, lúc đầu CLB không có quỹ, Huyền và các bạn đã lên ý tưởng bán đồ handmade. Lúc đó các thành viên cực lắm, chọn ngày chủ nhật nhiều người rảnh xong cả nhóm đi vào các công viên để bán.
“Có hôm Huyền và các bạn chỉ bán được hai cái móc khóa thôi nhưng tinh thần chúng mình luôn giữ vững với mong muốn được bỏ sức ra để làm điều tốt đẹp“, cô nàng chi sẻ với ánh mắt lấp lánh.
Hiện nay, CLB đã hơn 2 tuổi, trong suốt quá trình hoạt động, Huyền cùng các bạn tình nguyện viên trong câu lạc bộ đã cùng nhau tổ chức thành công những đêm trung thu ấm áp, ngày 1.6 thật ý nghĩa cho các em thiếu nhi cơ nhỡ. Huyền còn lập ra các buổi giao lưu, gặp gỡ các bạn khuyết tật để giúp họ xóa tan mặc cảm và hòa nhập cộng đồng hơn. Huyền nói rằng, khi nhìn thấy nụ cười của các cụ già, nét hồn nhiên của các em nhỏ… cô càng có thêm động lực để tổ chức nhiều hơn những chuyến đi tình nguyện.
“Mọi người đa phần đều ngạc nhiên khi chính mình cũng bị khuyết tật mà lại đi làm từ thiện. Rồi nhiều trung tâm người khuyết tật còn nhận nhầm mình là người của trung tâm, cho đến khi quản lí giới thiệu mình là đội trưởng của CLB thì ai nấy đều ngỡ ngàng”, Huyền vui vẻ chia sẻ sự cố thường gặp mỗi lần đi làm thiện nguyện của mình.
Luôn mang trong mình ước muốn chia sẻ thông điệp sống, truyền đi nguồn sống tích cực, vậy nên bên cạnh việc làm thiện nguyện cùng CLB Ánh Trăng, cô bạn còn chăm chỉ tham dự các cuộc thi sinh viên để ,truyền đi thông điệp sống tích cực. 2 năm qua, nữ sinh đều gửi ảnh dự thi “Nét đẹp sinh viên”. Mong muốn của Huyền không phải để trở thành người nổi tiếng mà vì muốn thay đổi định kiến của mọi người về vẻ đẹp của người khuyết tật.
“Thắng hay thua trong cuộc thi này với mình không quan trọng. Điều quan trọng nhất là liệu hành động này có thể lan truyền cảm hứng tích cực nào cho mọi người không? Chỉ cần mọi người thấy vui hơn khi đọc câu chuyện về mình thì mình đã đủ hạnh phúc lắm rồi“, nữ sinh chia sẻ.