Chắc hẳn nhiều người sẽ không thể phủ nhận được tầm quan trọng của kỳ thi đại học, đặc biệt là ở Trung Quốc, vì kỳ thi này có thể giúp nhiều người được học tập trong môi trường tốt hơn, có tương lai rộng mở hơn. Ấy thế nhưng, chỉ vì một phút nông nổi mà cô gái người Trung Quốc này lại cố tình để mình nhận điểm 0 ở tất cả các bài thi trong kỳ tuyển sinh đại học, đánh mất tấm vé bước chân vào giảng đường.
Theo các trang tin Trung Quốc, cô gái có suy nghĩ “khác người” này tên là Tưởng Đa Đa, đến từ tỉnh Hà Nam. Ngay từ khi còn nhỏ, Đa Đa đã rất thông minh nhưng có tính cách khá nổi loạn, suy nghĩ ngược so với người khác.
Cụ thể, khi bạn bè đồng trang lứa lao đầu vào học tập với hy vọng sẽ đạt được kết quả cao thì Đa Đa lại thẳng thắn nói với bố mẹ rằng cô ghét học và những bài kiểm tra của các trường học. Đa Đa còn khẳng định rằng, việc học theo hình thức đối phó và các bài kiểm tra dồn dập sẽ khiến học sinh bị áp lực, hoặc quá coi trọng điểm số. Lâu dần, việc học sẽ trở thành việc bắt buộc và nỗi ám ảnh ở học sinh.
Vì vậy, khi tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học vào năm 2006, Đa Đa đã cố tình đạt điểm 0 trong tất cả bài thi để gây sự chú ý với bộ giáo dục, coi đây là cơ hội để cô có thể làm “anh hùng”, mong giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh trong tương lai. Bài thi của Đa Đa dài tới 8.000 từ, thể hiện rõ sự bất bình của cô với kỳ thi tuyển sinh đại học.
Bài viết được đánh giá là mạch lạc, rõ ràng, các ý sắp xếp rất tốt và không đáng bị nhận điểm 0. Biết trước điều này nên để nhận điểm 0 trọn vẹn, Đa Đa đã sử dụng hai màu mực trong bài viết với mục đích vi phạm quy tắc làm bài và ký tên bằng bút danh của mình. Nhờ vậy mà Đa Đa đã đạt được “như ý nguyện”, nhưng sự nông nổi của cô khiến cô phải trả giá đắt và hối hận mãi mãi.
Không hề được tán dương như mong đợi, thứ Đa Đa nhận được chẳng có gì ngoài lời gièm pha của mọi người, đồng thời bị cấm thi đại học mãi mãi, khiến cô rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý. Thậm chí, cô còn muốn tự tử để giải thoát nhưng may mắn được bố mẹ bên cạnh động viên.
Mất đi cơ hội vào đại học, Đa Đa chỉ có thể ở quê nhà đi làm thuê cuốc mướn, sống cuộc sống của một người nông dân nghèo, đến tuổi lấy chồng và sinh con mà không có sự lựa chọn nào khác. Bởi lẽ trong thời đại trọng học vấn, nhiều công ty đã thẳng thừng từ chối Đa Đa vì cô không có bằng đại học. Và rồi khi đã ngoài 30 tuổi, nghĩ về hành động nông nổi trước đó của mình, Đa Đa chỉ lặng yên một tiếng thở dài, ôm hối hận đến hết đời.