Toán học luôn là một trong những nền tảng cơ bản của bất kỳ một ngành học hay nghề nghiệp nào, thế nên không có gì quá khó hiểu khi ngay từ những cấp học nhỏ nhất, các cô cậu học trò đã được làm quen với những phép toán cộng trừ nhân chia sơ đẳng, rồi tiếp đó là những bài toán hóc búa hơn đòi hỏi phải tư duy logic hay nắm được các quy tắc "bất di bất dịch".
Trong trí tưởng tượng của nhiều người thì toán tiểu học luôn vô cùng gần gũi và đơn giản, chỉ một vài bài toán trong số này là đánh đố học sinh nhằm tìm ra những gương mặt nổi trội. Tuy vậy cũng có một vài trường hợp ngoại lệ, không phù hợp với nhận thức cũng như trình độ của học sinh và nhận về vô số ý kiến trái chiều từ cư dân mạng.
Hãy cùng Saostar điểm danh 3 bài toán từng gây xôn xao mạng xã hội bởi những điều bất cập trong cách ra đề cũng như cách giải.
Bài toán cưa gỗ
Cách đây khá lâu, nhiều diễn đàn mạng xã hội từng dậy sóng bởi một bài toán xem qua thì vô cùng đơn giản của nhóm học sinh cấp 1. Tuy nhiên nó khiến nhiều người tranh luận vì kết quả của người giải và giáo viên có sự bất đồng. Cụ thể, yêu cầu của đề bài đưa ra như sau:
“Hai bác thợ cưa một cây gỗ dài 7m thành những đoạn dài 1m. Cứ 12 phút thì cưa xong một đoạn. Hỏi cưa cả cây gỗ đó hết bao lâu?”. Học sinh sau đó đưa ra cách giải là: “Cưa cả cây gỗ đó hết số phút là: 12 x6 = 72 (phút)”. Tuy nhiên đáp án của học sinh lại bị giáo viên gạch sai và một đáp án hoàn toàn khác được người chấm bài đưa ra bên dưới.
Theo giáo viên này, cây gỗ phải cưa thành 7 lần để được 7 đoạn và tổng thời gian cưa cả cây gỗ sẽ là “12 phút x 7 đoạn = 84 phút”. Nhiều phụ huynh khi đọc đề bài đều cho rằng, học sinh đã làm đúng và cô giáo đã có đôi chút nhầm lẫn trong câu hỏi này. Bởi cây gỗ chia ra làm 7 đoạn thì chỉ cần cưa 6 lần là đủ và thời gian cưa sẽ chỉ là 72 phút.
Bài toán tính nhanh
Một bài toán liên quan đến tính nhanh trước đây cũng từng khiến cư dân mạng tranh cãi không ngớt trên nhiều diễn đàn. Theo đó, mặc dù chỉ là một phép tính cộng, trừ đơn giản, thế nhưng nó đã khiến nhiều người xảy ra tranh cãi bởi đáp án giữa học sinh và giáo viên thì lại khác nhau. Cụ thể, bài toán được một phụ huynh đăng tải trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ với câu hỏi: “Cô sai hay trò sai?” khiến các mẹ tranh cãi nảy lửa, đề bài của bài toán tính nhanh này như sau:
“Tính nhanh:
66 – 6 + 7 + 23 -18 + 2=?”
Với đề bài này, đáp án mà em học sinh cũng như số đông người dùng đưa ra là 74 khi để giải bài toán, người làm bài chỉ cần cộng trừ lần lượt từ trái qua phải theo đúng quy tắc từ xưa đến nay. Tuy nhiên, theo phần sửa của giáo viên thì khi cộng trừ phải ghép các cụm số vào với nhau để có kết quả tròn (phù hợp với yêu cầu tính nhanh của bài toán), kết quả đúng phải là 70.
Ngay sau đó, nhiều phụ huynh học sinh đã tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ trước cách giải của cô giáo và cho rằng, mặc dù đề bài yêu cầu tính nhanh nhưng cách giải vẫn phải là từ trái qua phải chứ không thể nào dùng cách gom gọn các cụm số như cô giáo đã đưa ra.
Bài toán lớp 3 lên báo quốc tế
Cách đây 5 năm, vào năm 2015, một bài toán lớp 3 ở Lâm Đồng đã bất ngờ khiến cư dân mạng xôn xao bởi độ hóc búa, thách thức cả những giáo sư, tiến sĩ hay chuyên gia toán học. Theo đó, đây thực chất chỉ là một bài toán ôn tập để thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Cụ thể đề bài như sau: “Điền các số từ 1 đến 9 vào ô trống để được kết quả đã cho”.
Mặc dù là bài toán lớp 3, thế nhưng để tìm ra được lời giải chính xác cho bài toán là một câu chuyện vô cùng khó khăn. Một vài chuyên gia toán học trong nước cho rằng, bài toán này có 362.880 khả năng điền số, nhưng chỉ một vài đáp án đúng. Với khả năng của người lớn, có thể tư duy và lập luận logic thì sau khi loại trừ cũng phải thử vài chục trường hợp mới có thể tìm ra đáp số.
Không chỉ “gây bão” trong nước mà bài toán số học dành cho học sinh lớp 3 này đã lan rộng ra cả báo chí quốc tế. Tờ The Guardian (Anh) đã đăng bài toán này kèm tiêu đề: “Bạn có thể giải được bài toán dành cho một đứa trẻ 8 tuổi ở Việt Nam, đã khiến các bậc phụ huynh và giáo viên đau đầu, này không?”. Chuyên trang về công nghệ Gizmodo cũng đăng tải bài toán này. Hầu hết các độc giả đều bó tay và cho rằng bài toán này quá khó, đến chính họ là người lớn cũng không tài nào giải nổi chứ đừng nói đến đứa trẻ 8 tuổi.
Được biết, người ra bài toán này là cô Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên lớp 3A3, đồng thời là khối trưởng khối lớp 3 trường tiểu học Thăng Long thời điểm 2015. Cô chia sẻ, mình chỉ tìm tòi và ghi chép lại một số bài toán ấn tượng để cho học sinh luyện tập thêm. Đây là việc làm thường xuyên của cô trong nhiều năm, tuy vậy nữ giáo viên sau đó đã đánh giá bài toán kể trên có độ khó cao và khá rối rắm so với trình độ học sinh lớp 3 nên đã nói các em không cần làm.
Tuy nhiên cô Quyên cũng cho rằng, do bản thân mình sơ suất khi không nói học sinh của mình gạch chéo bài toán khó. Trong khi đó có một số em mang bài toán về nhà nhờ ba mẹ, người thân giải thử lại quên không nói cô giáo không yêu cầu làm bài toán trên nên dẫn đến một số hiểu lầm không đáng có.