Trần Nam Khánh sinh năm 1999 là cựu học sinh lớp 12 Anh 1 của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Nam Khánh đã đỗ vào trường ĐH Vanderbilt ở Mỹ với suất học bổng 5,2 tỷ đồng ($228.000/4 năm). Cậu bạn này còn được Geogretown University và Earlham College nhận vào trường và hỗ trợ tài chính.
Bài luận rất đặc biệt của Khánh kể về một lần giả gái và từ đó suy ra những định kiến xã hội về chuẩn mực giới tính hiện nay. Có những chàng trai sinh ra với tâm hồn mỏng manh, tính cách có phần nữ tính và những cô gái từ nhỏ đã theo đuổi phong cách tomboy. Dù họ muốn sống với đúng những gì bản thân mong muốn, theo đuổi nhưng xã hội đã gán ghép họ với những ngôn ngữ không được hay cho lắm.
Cùng trò chuyện với Nam Khánh để hiểu hơn về cậu bạn học siêu giỏi và rất thú vị này.
Chào Khánh, bạn có thể giới thiệu về ngôi trường Vanderbilt, nơi mà bạn đang theo học?
Trường mình ở Nashville, Tennessee, Mỹ, có thể nói là một thành phố ngoại ô, khá yên ắng, trầm lắng so với những thành phố lớn như New York. Nhưng nó cũng không hẳn là hoàn toàn đồng quê, thành phố vẫn có những khu phố ồn ào tấp nập, nên mình khá thích cái sự cân bằng đó của Nashville.
ĐH Vanderbilt khá lớn, quy tụ rất nhiều người ở từ khắp nơi, vì thế mình đã được gặp kha khá những nhân vật hay ho độc đáo. Mình học ngành Khoa học máy tính - Computer Science vì từ bé đến giờ mình vẫn luôn thích thú với video games. Mình nghĩ là đây sẽ là bước đầu tiên đưa mình tới gần mục tiêu sau này là được làm việc ở một công ty game nào đó để trực tiếp tham gia vào quá trình làm ra một tựa game.
Quay lại một chút về những ngày tháng apply học bổng du học, như bao học sinh khác, khát khao chinh phục các trường ĐH quốc tế hàng đầu thế giới rất mãnh liệt nhưng đi kèm đó chắc chắn là rất nhiều khó khăn, thử thách?
Quá trình apply vào trường của mình không có gì đặc biệt lắm, vì nhà mình cũng không khá giả mấy nên rất muốn có được sự giúp đỡ từ trường để bớt phần nào gánh nặng cho ba mẹ. Mình đã bày tỏ nhu cầu này cho trường và sau khi nộp những giấy tờ cần thiết và nhận được mức hỗ trợ tài chính 5.3 tỷ đồng cho 4 năm học.
Trong quá trình apply của mình, điều khiến mình gặp nhiều khó khăn nhất là việc tìm ý tưởng cho bài luận. Mình nhớ có những ngày chỉ nằm dài ra bàn, chán nản và mệt mỏi vì không có chủ đề gì cho bài luận cá nhân của mình mặc dù đã vắt óc, đào bới hàng tá ý tưởng nhưng không có gì thực sự làm mình thấy hứng thú và nói lên được bản chất con người mình.
Có những hôm mình và thằng bạn thân tan học đội tuyển nhưng lại quá mệt mỏi để ngồi viết luận/làm hồ sơ, thế là chở nhau qua quán net gần trường giải trí. Chính nhờ những lần như thế, mình đã nghĩ ra ý tưởng cực kì hay ho cho một trong những bài luận phụ.
Những buổi tối thức thâu đêm để viết luận luôn thật yên tĩnh và quý giá. Khi cả nhà đã đi ngủ hết khiến mình cảm giác như mình là người duy nhất còn tồn tại vậy.
Kể một chút về bài luận đặc biệt của bạn nhé?
Hôm đó là một ngày tiền sự kiện cho Ngày Hội Anh Tài ở Amsterdam, mình đã tình nguyện giả gái để diễn văn nghệ.
Mình chọn chủ đề này để viết luận vì từ bé tới giờ, mặc dù mình hoàn toàn… “thẳng” (cười), nhưng mình vẫn luôn thấy mình hơi nữ tính một chút. Đôi khi phần tính cách đó của mình không được ủng hộ cho lắm, vì những chuẩn mực giới tính của xã hội đã có những định kiến rất rõ ràng, cứng nhắc về hình ảnh của con trai và con gái.
Chính từ việc đó mà mình cũng đã từng đánh giá người khác dựa trên những chuẩn mực giới tính ấy. Nhưng sau này mình thấy mỗi người nên sống thật với bản thân mình hơn là cố gắng biến đổi tính cách trái với ý mình để hòa nhập với những gì được cho là phải làm, phải trở thành.
Mặc dù mình là trai thẳng nhưng tính cách có phần nhẹ nhàng, nữ tính. Mình không chơi thể thao, không đam mê những cái mà hầu hết những đứa con trai khác đều mê. Xã hội vẫn luôn quy định con trai phải thật nam tính, con gái phải nữ tính dịu dàng khiến cho nhiều người đánh mất đi cơ hội được sống thật với bản thân.
Vậy quá trình ôn thi bài thi chuẩn hóa SAT và những bài thi để apply của bạn như thế nào?
Theo mình về việc học SAT thì nên đọc nhiều, còn Toefl thì mình thấy khá là giống những thứ học trong chương trình phổ thông, với Advanced Placement (AP) mình thấy có những bạn học để có điểm để rồi được skip lớp trên đại học, nhưng theo mình thì đối với các môn AP nên học cho bản thân chứ không học vì điểm để rồi thi xong quên sạch. Những thứ mình học từ AP Computer Science chẳng hạn, đã giúp mình rất nhiều khi học đại học.
Bạn rất thích chơi game?
Điều mình tâm đắc nhất ở những năm cấp 3 là giải đấu League Of Legends (Liên Minh Huyền Thoại) mà mình đã tổ chức ở trường với một số người bạn vào năm lớp 11.
Mình chơi game chủ yếu để giải trí sau những giờ học căng thẳng. Và đam mê của mình là khoa học máy tính. Nó cũng giúp mình rất nhiều trong ước mơ làm việc ở một công ty game sau này.
Để hồ sơ học bổng hoàn thiện và trọn vẹn nhất thì phải có sự cân bằng giữa thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa, nên những hoạt động mình tham gia giúp miêu tả phần nào tính cách của mình trong bộ hồ sơ.
Cuộc sống du học sinh hiện tại ở Mỹ của bạn như thế nào? Bạn đã được học hỏi những gì từ nền giáo dục, con người nơi đây?
Mình rất rất rất thích học ở Mỹ. Nếu như ở nhà mình sẽ lăn ra bàn ngủ cho qua các tiết học với thằng bạn thân, nhưng ở đây mình thấy như cái gì mình học cũng hay và có ích. Các giáo sư khiến mình muốn học và nghiên cứu rất nhiều. Mình được chọn các lớp mình muốn học, đó là một điều rất hay vì mình được theo những thứ là điểm mạnh của bản thân, những thứ mình đam mê.
Một điều cực kì quan trọng ở Mỹ mà mình học được là việc không giấu dốt. Ai có gì không hiểu, họ sẽ hỏi ngay. Ở nhà rất nhiều người không bao giờ thắc mắc gì vì sợ xấu hổ nhưng ở đây họ thực sự không quan tâm và đánh giá khi có ai đó hỏi “ngu” gì đó.
Bạn thấy bản thân mình thay đổi như thế nào sau du học?
Mình biết cách trân trọng gia đình và bạn bè hơn. Trước đây mọi người luôn ở bên cạnh mình, bước một bước là thấy anh trai đang chơi game, bố đang đọc báo, mẹ với bà cặm cụi nấu ăn dưới bếp, bạn bè tụ tập chơi bời tán gẫu. Nhưng ở bên này mặc dù luôn nói chuyện được với nhau qua mạng, mọi thứ vẫn cứ thấy xa vời hơn. Tự lo cho cuộc sống của mình khiến mình trân trọng gia đình hơn vì mình thấy thực sự khá là khó để lo cho bản thân ở một nơi xa lạ.
Cảm ơn Khánh về cuộc trò chuyện.