Năm nay, theo dự thảo do Bộ GD&ĐT công bố: Mức điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn giữ nguyên là 0,75 điểm đối với khu vực 1; 0,5 điểm đối với khu vực 2 nông thôn; 0,25 điểm đối với khu vực 2. Tuy nhiên, một điểm mới trong dự thảo quy định chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay. Nghĩa là những thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước) nếu thi lại để xét tuyển vào cao đẳng, đại học sẽ không được hưởng mức điểm cộng khu vực này.
Nhiều thí sinh tự do cảm thấy hụt hẫng
Quỳnh Chi - một thí sinh tự do dự định sẽ thi lại Đại học năm nay cho biết: “Em quyết định thi lại với mong muốn đỗ Đại học Ngoại thương. Là một thí sinh ở khu vực 1 và được cộng 0,75 điểm đối với em thực sự rất quan trọng. Thứ nhất, điểm cộng khu vực thể hiện sự quan tâm, khuyến khích của Bộ Giáo dục và Nhà nước trong việc học tập đối với các thí sinh ở nông thôn có điều kiện học tập kém hơn so với thành phố như bọn em. Thứ hai, thi đại học là một cuộc chiến rất khốc liệt, 0,05đ cũng đủ để quyết định bọn em có đỗ NV1 hay không, nên việc mất đi 0,75 điểm là một điều mà không thí sinh nào mong muốn.”
Bạn Kiều Trang (SN 2003, Hà Nội) đang ôn tập để thi lại vào ngành Kế toán - Kiểm toán của Học Viện Tài Chính chia sẻ: “Cả thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm nay và thí sinh tự do từ những năm trước đều có áp lực riêng. Ngay từ việc quyết định thi lại, em đã phải chịu áp lực tâm lý cực kì nặng nề đến từ gia đình. Em nghĩ trong một kì thi chung, các thí sinh nên được hưởng mức đãi ngộ như nhau.”
Bạn Nguyễn Tùng (SN 2003, Thái Nguyên) cũng không khỏi hụt hẫng khi nắm được quy định mới này: “Khi nghe tin chỉ cộng điểm khu vực cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay, em cảm thấy rất hụt hẫng và có chút không công bằng. Những thí sinh từng trượt đại học thiếu từng dấu phẩy, và điểm số ưu tiên ấy chính là ranh giới để quyết định con đường tương lai của chúng em".
Công bằng hay bất công?
Theo VNExpress, Vụ trưởng Giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị tốt nghiệp: thí sinh tự do đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển Đại học. Bà Thủy giải thích:
“Nhiều thí sinh tuy hộ khẩu ở vùng ưu tiên những đã chuyển đến các địa phương có điều kiện tốt hơn để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển Đại học. Trong khi đó, thí sinh lần đầu thi phải ôn nhiều môn hơn, chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp và vừa xét tuyển Đại học.”
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp TP. HCM cho rằng, thí sinh tự do có ưu thế hơn về kinh nghiệm thi cử và thời gian ôn tập. Tuy nhiên ông Nhân cũng đề xuất thêm việc bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh năm trước có thể áp dụng trong phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp hoặc xét tuyển các kỳ thi riêng, chẳng hạn đánh giá năng lực. Còn với phương thức xét học bạ, theo ông vẫn nên giữ mức điểm cộng. Vì kết quả học bạ bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố khu vực.
Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, quy định không cộng điểm ưu tiên cho thí sinh thi tốt nghiệp năm trước có thể gây ra bất công. Theo PGS Dũng, một số thí sinh vừa tốt nghiệp THPT đã đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự nên chưa thể xét tuyển vào đại học, nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bươn chải để có kinh phí vào đại học. Những đối tượng này mất điểm cộng sẽ rất thiệt thòi.
"Đã ưu tiên là phải ưu tiên tất cả đối tượng như cũ, không phân biệt thí sinh thi năm này và năm khác, còn không thì bỏ hết để tạo công bằng cho thí sinh" - PGS Dũng nêu quan điểm.