Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Lò luyện thi 'cân não' ở Hàn quốc: Đại học hay công chức đều áp lực kinh hoàng

Hầu hết các quốc gia châu Á đều đề cao vấn đề giáo dục, điểm số và bằng cấp trong quá trình đi học cũng chính là tấm vé quan trọng để có được một công việc tốt trong tương lai. Đặc biệt với Hàn Quốc. Vấn đề tuyển sinh đại học và tuyển dụng công chức ở quốc gia này thực sự cam go và khốc liệt.

Kỳ thi đại học được ví như địa ngục

Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được gọi là Suneung hoặc tiếng Anh là CSAT. Theo Telegraph, đây là kỳ thi cấp quốc gia, giống như thi SAT ở Mỹ. Học sinh Hàn Quốc sẽ hoàn thành 7 môn gồm Quốc ngữ, tiếng Anh, Hóa học, tiếng Trung cơ bản, Toán học, Khoa học xã hội và thi nghề.

Điểm số trong kỳ thi Suneung ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của các em sau này, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân.

Đây là hình ảnh thường thấy trong mỗi lớp học ở Hàn Quốc

Hầu hết học sinh trung học ở Hàn đều mơ đến 3 chữ cái quyền lực mỗi khi đi ngủ, đó chính là S.K.Y. Các chữ cái này đại diện cho 3 trường đại học hàng đầu gồm Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University - SNU), Đại học Hàn Quốc (Korea University - KU) và Đại học Yonsei (Yonsei University - YU).

Và ở Hàn Quốc, đây là câu nói mà bất kỳ một bậc phụ huynh hay học sinh nào cũng nằm lòng: “Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể trở thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác.

Nếu ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm học cuối cấp, đừng mơ đến chuyện trở thành sinh viên đại học”.

Vào ngày thi Đại học, các phụ huynh thi nhau đến cầu nguyện tại đền thờ, một số sốt ruột chờ đợi bên ngoài địa điểm con thi với tâm trạng căng thẳng. Các sàn chứng khoán, ngân hàng mở cửa muộn để tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo phụ huynh có thể đưa con em đến địa điểm thi đúng giờ. Công trường xây dựng bị tạm ngừng hoạt động vì tiếng ồn có thể khiến học sinh mất tập trung. Các chuyến bay thương mại trên toàn quốc đều bị cấm vì gây tiếng ồn. Cảnh sát giao thông cũng tham gia hỗ trợ các em để không bị muộn giờ thi.

Các bậc phụ huynh cầu nguyện cho con trong ngày thi

Nói vậy để thấy, ngày thi Đại học ở Hàn quốc thực sự giống như một đấu trường sinh tử. Nếu muốn có tương lai xán lạn, bạn bắt buộc phải trải qua đấu trường này với những bài thi cam go nhất. Hệ thống giáo dục Hàn Quốc đặt nặng kỳ thi và điểm số, các khía cạnh ngoài kết quả học tập dường như bị bỏ quên. Một bạn học sinh ở Hàn tâm sự bi đát: “Trong ba năm trung học, không có bất kỳ giáo viên nào từng hỏi tôi muốn làm gì hay học gì khi vào đại học. Không ai thực sự quan tâm đến sở thích của tôi”.

Những áp lực nặng nề của môi trường học tập khiến học sinh ở Hàn Quốc dễ mắc những chứng bệnh về tâm lý như trầm cảm. Theo thống kê, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi tự sát do áp lực học tập cao nhất thế giới. Thay vì được tận hưởng những năm tháng đi học vui chơi bên bạn bè, học sinh ở Hàn phải vùi đầu vào sách vở học ngày học đêm, để rồi mỗi ngày đến trường với các em là mỗi ngày phải tranh đấu trong tâm trạng hoang mang và căng thẳng.

Và những kỳ thi công chức 80 chọn 1

Công chức nhà nước ở Hàn Quốc không hẳn có mức thu nhập cao, nhưng lại ổn định và có nhiều ưu đãi hơn so với công việc trong các Công ty tư nhân.

“Thất vọng, lo lắng, mệt mỏi … chỉ làm phí thời gian của bạn. Hãy loại bỏ tất cả bằng việc học”, là thông điệp được dán trên mỗi thùng rác trong một lò luyện điển hình cho các kỳ thi công chức ở Hàn. Và đâu chỉ phải đi học ở một trung tâm duy nhất, những người muốn có việc làm nhà nước ở Hàn Quốc phải đi học nhiều nơi một lúc, dành ít nhất từ 9 tháng đến 1 năm để ôn luyện cho kỳ thi cam go.

Thanh niên Hàn Quốc điền mẫu đơn đăng ký thi công chức

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ chọi cho 1 suất làm việc trong hệ thống Nhà nước ở Seoul là 1 chọi 80 khiến nhiều người choáng váng. Đây là kết quả của tình trạng thất nghiệp gia tăng và trọng bằng cấp ở Hàn Quốc. Tâm lý lo ngại ngày càng tăng trong lực lượng lao động trẻ Hàn Quốc về tình hình kinh tế khó khăn và xu hướng doanh nghiệp đẩy nhanh tự động hóa, đưa máy móc và công nghệ vào quy trình làm việc thay vì tuyển nhân viên. Hơn nữa, sự cạnh tranh gắt gao khi thi đầu vào tại các tập đoàn lớn, nơi mà sinh viên thuộc các trường top đầu cũng khó chen chân, gây ra sự e dè cho nhiều bạn trẻ.

Tờ Hankook Ilbo đưa ra số liệu năm 2016, gần 300 nghìn người đăng ký thi tuyển công chức, viên chức quản lý cấp thấp, tăng gần 300% so với năm 1995. Con số này chưa tính người đăng ký thi vào các vị trí cấp cao trong cơ quan nhà nước. Nhưng thực tế đáng buồn là tỷ lệ trúng tuyển rất thấp chỉ 1,8 % năm 2016 và đang ngày một khó khăn hơn.

Đây cũng là nguyên do vì sao có nhiều người nhận xét rằng học sinh Hàn Quốc có một cuộc sống rất cô độc. Chịu đựng những áp lực lớn đè nặng trong tâm lý khiến các em đánh mất một phần tuổi thơ và về lâu dài có thể gây ra những hậu quả nặng nề.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Nàng hậu 9X chia sẻ về hành trình giữ dáng 'kỳ lạ' gây tò mò