Ký ức cũ…
Nếu ai đó hỏi những sinh viên tại Làng đại học TP.HCM rằng đâu là điều bạn nhớ nhất về nơi này, họ sẽ ngồi xuống, mãi miết kể cho bạn nghe về Hồ Đá, về những cung đường lộng gió quanh co và nhất là khu chợ đêm nhộn nhịp bằng ánh mắt hồ hởi xen lẫn tiếc nuối, hoài niệm.
Khi tôi còn là một học sinh 12 đang ôm ước mơ được bước chân vào cánh cửa đại học, bên cạnh khao khát giảng đường, tri thức, tôi còn mong được một lần đến chợ đêm, tận mắt xem thử nơi này có gì đặc biệt mà bất cứ ai từ Làng đại học về cũng đều nhắn nhủ: “Vào đấy nhớ ghé chợ đêm chơi nghen!”.
Chợ đêm Làng đại học chính là nơi gắn liền với biết bao thế hệ sinh viên. Đến khi đã gắn bó với nơi này rồi, tôi mới nhận ra lời nhắn nhủ của những đàn anh, đàn chị ngày xưa quả là chẳng sai.
Chợ đêm vẫn như những khu chợ thông thường, có những hàng quán bán đầy đủ các loại thức ăn, nước uống, quần áo với giá rất rẻ. Điều khiến nơi này khác biệt chính là “chất sinh viên”. Người đến chợ đa phần đều là sinh viên, có những quầy hàng cũng là của sinh viên nốt. Chính vì vậy, chợ đêm mang trong nó sức trẻ, sự náo nhiệt, vui tươi xen lẫn hồn nhiên của chính những bạn trẻ Làng đại học.
Minh Như, cựu sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Mình nhớ nhất những quán lẩu, quán nướng ven chợ. Cảm giác cùng bạn bè ngồi đây ăn uống, trò chuyện giữa sự náo nhiệt rất thú vị. Mặc dù giờ chẳng còn chợ nữa nhưng mỗi khi đi qua nơi này, mình thấy nhớ thật sự”.
Chợ đêm giải tỏa trong sự nuối tiếc của nhiều sinh viên. Nơi chứa đựng kỉ niệm bốn năm đại học cũng đến lúc nhường chỗ cho những công trình mới hơn, hiện đại hơn. Không chỉ mỗi chợ, những quán ăn quanh làng cũng bị giải tỏa đi ít nhiều. Quán hủ tiếu, cơm sườn gần bến xe buýt cũ cũng bỗng chốc hóa kỷ niệm.
Gần 3 năm sau giải tỏa, nhiều sinh viên vẫn còn luyến tiếc chợ đêm cùng những kỉ niệm, ký ức cũ về Làng đại học. Những sinh viên cũ vẫn rỉ tai sinh viên mới về sự “sầm uất” một thời, thở dài tiếc nuối vì chẳng còn được dặn đàn em: “Nhớ ghé chợ đêm chơi nghen”.
Những con đường đã được gọi tên
Một sáng thức dậy đi bộ trên những con đường quen thuộc để đến trường, ánh mắt những cô, cậu sinh viên chợt dừng lại trên những bảng tên đường. Rõ ràng hôm qua còn là đường Trục chính, nay đã đổi thành Quảng trường Sáng tạo. Phóng tầm mắt ra xa thêm chút nữa, bỗng nhận ra những cái tên lạ lẫm: Đường Chu Văn An, đường Võ Trường Toản, đường Hãi Thượng Lãn Ông,…
Thế thì có gì lạ, ngoài kia tên đường như thế vẫn đầy ra. Đó là cách những người ngoài Làng đại học sẽ nói, còn đối với sinh viên, theo ngôn ngữ cũng của sinh viên, đây là một điều mang tính “cách mạng”.
Không ít lần, những vị khách hay thậm chí những bác xe ôm, anh Grab thông thạo từng ngóc ngách Sài Gòn bỗng nhiên trở nên “mù đường” khi đến Làng đại học. Họ ghé lại bên đường, ấp úng hỏi sinh viên những cái tên như đường Trục chính, đường Tiêu biểu, đường Nội bộ,… Thế nhưng bên hỏi đường và bên chỉ đường cứ thế nhìn nhau vì dù cho có ở đây 4 năm trời, chưa chắc những sinh viên đã biết con đường mình đi học mỗi ngày tên gì.
Ấy thế mà, một ngày đầu tháng 6/2019, sinh viên đã hồ hởi hẹn nhau ở những địa điểm được thay hẳn hoi bằng tên đường, mạnh dạn chỉ cho bác tài đi lạc rằng đi hết đường Mạc Đỉnh Chi là đến ký túc xá khu B.
Chỉ là thay tên đường thôi, nhưng Làng đại học dường như đã rất khác.
Theo TS Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu Đô thị ĐHQG cho biết, mỗi tên đường đều có ý nghĩa và gắn với cảnh quan khu vực đặt tên. Ví dụ, Chu Văn An là ‘thầy của các vị thầy’, được đặt cho con đường dẫn vào Nhà Điều hành ĐHQG-HCM. Đại thi hào Nguyễn Du được đặt tên con đường đi qua các hồ Đá, nơi phong cảnh hữu tình. Hải Thượng Lãn Ông - đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc, được đặt tên cho con đường đi ngang Khoa Y ĐHQG-HCM…
Việc chọn tên các danh nhân văn hóa, giáo dục, khoa học ở trong và ngoài nước để đặt tên cho hệ thống đường không chỉ giúp giao thông ở đây được thuận tiện mà còn thể hiện khát vọng của giảng viên và sinh viên về tính nhân văn, về tinh thần khoa học.
Công viên mới, nhà văn hóa mới
Ngày chợ đêm bị giải tỏa, nhiều sinh viên không tưởng tượng được rằng nơi khu đất ấy có thể mọc lên một tòa nhà rộng lớn, khang trang và tiện nghi như hiện nay. Chúng ta có lẽ vẫn tiếc nuối những ký ức cũ về khu chợ đêm huyên náo, sầm uất ngày nào, nhưng lại không thể phủ nhận sự mới mẻ, hiện đại và độc đáo như nhà Văn hóa sinh viên.
Nhà văn hóa sinh viên bao gồm nhà hát lớn, các hội trường, cụm rạp chiếu phim, các phòng tập kịch, tập hát, sinh hoạt nghệ thuật, thư viện lớn, các khu triển lãm, khu vực cà phê sân thượng… và rất nhiều chức năng khác phục vụ cho nhu cầu văn hóa của hàng chục ngàn sinh viên của TP.HCM. Đó thật sự là những thứ mà những sinh viên ngày xưa ao ước có được.
Không những vậy, cảnh quan và các tiện ích thành phần ngoài trời cũng được chú trọng. Điển hình là hệ thống sân bóng đá ngoài trời, sân bóng rổ, sân thể thao đa năng, hồ nước, khu đi bộ, chạy bộ, tập luyện TDTT, khán đài ngoài trời,… Những điều này cho thấy Nhà văn hóa sinh viên thật sự được đầu tư công phu, kỹ lưỡng để trở thành biểu tượng của khu đất trung tâm Làng đại học này.
Đi dọc con đường dẫn ra Nhà văn hóa, một cảm giác khác lạ bao trùm. Những con đường chật chội ngày nào nay đã có hẳn vỉa hè rộng rãi. Những trạm xe buýt cũng được xây dựng chắc chắn hơn, mát mẻ hơn. Công viên cũng dần thành hình với những chiếc ghế đá đẹp mắt, được đặt khắp mọi nơi.
Một chiều lộng gió, ghé ngang Nhà văn hóa, không khó để bắt gặp sinh những sinh viên đang cố tìm cho mình một góc máy cho những tấm ảnh “để đời”. Ai nấy cũng vui tươi, rạng rỡ.
Thứ cũ mất đi để nhường chỗ cho một thứ mới mẻ hơn ra đời. Chợ đêm và những hàng quán biến mất cũng là để Làng đại học có thể khoác lên mình chiếc áo mới. Có kẻ sẽ tiếc nuối những điều cũ kĩ, nhưng cũng lắm người hoan hỉ với tấm áo mới toanh.