Cái chết thương tâm của nam sinh 14 tuổi
Vụ việc là hồi chuông báo động đỏ về nạn bạo lực học đường đang leo thang tại Hàn Quốc nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung. Được biết, sau khi gây ra án mạng, 4 kẻ thủ ác đã bị cảnh sát triệu tập để lấy lời khai. Tất cả bọn chúng đều phủ nhận việc đẩy nam sinh A xuống đất mà thay vào đó lại khai rằng đang nói chuyện được một lúc thì bạn mình nảy sinh ý định tự vẫn rồi tự nhảy xuống, chúng cố gắng chạy đến ngăn cản nhưng không kịp.
Lời khai này lại hoàn toàn trái ngược với kết quả đoạn clip trích xuất từ camera an ninh, ghi lại toàn bộ hành vi bạo lực tập thể của 4 học sinh kia cũng như việc chúng cùng nhau khống chế và đẩy nạn nhân ngã khỏi sân thượng, rơi xuống đất rồi tử vong.
Theo điều tra của phía cảnh sát, A và 4 học sinh kia từng là bạn thời tiểu học, nhưng khi đó, 2 bên vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết. Trong bản kiến nghị gửi đến Nhà Xanh có nói, A là một cậu học sinh hiền lành và ngoan ngoãn. Đến khi lên trung học, A bắt đầu bị cô lập và đánh đập vì đám người này kỳ thị cậu xuất thân trong gia đình đa văn hóa có bố là người Hàn, mẹ là người Nga. Bố mẹ A đã ly hôn và hiện cậu đang ở với mẹ, cuộc sống 2 mẹ con khá khó khăn về mặt tài chính. Có lần A bị hành hung dã man vì 1 trong 4 người kia cho rằng cậu buông lời sỉ nhục bố hắn.
Tính đến thời điểm hiện tại, bản kiến nghị gửi đến Nhà Xanh đã nhận được hơn 13 nghìn chữ ký. Hầu hết mọi người đều hy vọng cơ quan chính phủ sẽ vào cuộc điều tra và đưa ra hình phạt thỏa đáng dành cho hành vi bạo hành, giết người của 4 tên tội phạm.
Bạo lực học đường - vấn nạn không của riêng Hàn Quốc
Theo khảo sát của Tổ chức chống bạo lực học đường Hàn Quốc, 12% số học sinh được hỏi cho biết họ bị bắt nạt, khoảng 12,6% thừa nhận họ hay đi bắt nạt các bạn khác và 40,8% học sinh cho biết tình trạng bạo lực học đường là điều thường xuyên diễn ra tại lớp. Bộ giáo dục đào tạo Hàn Quốc cũng cho biết 63,6% số vụ bạo lực học đường diễn ra trong giờ học, 50% số vụ diễn ra trong chính lớp học. Thậm chí, khoảng 40% số học sinh được hỏi cho biết họ bắt nạt bạn bè chẳng vì lý do gì, hoặc chỉ để cho vui.
Dù không phải vấn đề mới nhưng bạo lực học đường lại chưa bao giờ ngừng nóng. Với một cú click chuột vào thanh công cụ tìm kiếm trên Google, chúng ta có thể tìm ra rất nhiều thông tin cần tra cứu. Khi gõ từ khóa “bạo lực học đường” thì trong khoảng 0.41 giây sẽ cho ra hơn 21 triệu kết quả. Trong khi đó, trên YouTube con số này là gần 700 nghìn video liên quan đến các vụ bạo lực học đường đã được đăng tải.
Không chỉ riêng Hàn Quốc, tại nước ta những năm vừa qua đón nhận nhiều sự việc đau lòng liên quan tới vấn đề bạo lực học đường. Cách đây khoảng hai năm về trước, tại Yên Bái, Q.H - một nam sinh học lớp 8 đã tự tử chết vì clip em bị bạn đánh bắt quỳ giữa đường được phát tán trên mạng. Người lớn thấy bàng hoàng, con trẻ thấy sợ hãi, hết thảy đều lo lắng không biết ngày mai nạn nhân của bạo lực học đường tiếp theo sẽ là ai. Khó có người ngoài cuộc nào có thể thấu hiểu nổi cảm giác của Q.H, để đến bước đường cùng là việc em phải lựa chọn cái chết để giải thoát. Thời điểm đó, cái chết của cậu bé nam sinh như một hồi chuông cảnh báo, gióng lên mạnh mẽ về vấn nạn bạo lực học đường.
Đã đến lúc hành động để bạo lực không còn là nỗi ám ảnh mỗi khi đến trường
Theo một báo cáo mới do UNICEF công bố vào tháng 9 vừa qua, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới, ước tính khoảng 150 triệu, cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học. Với tiêu đề “Bài học mỗi ngày: chấm dứt bạo lực trong nhà trường“, báo cáo cho biết bạo lực giữa các bạn cùng trang lứa đã trở thành một phần phổ biến trong việc học tập của giới trẻ trên khắp thế giới. Điều này gây ảnh hưởng đến việc học tập và phúc lợi của các em ở cả các quốc gia thịnh vượng cũng như nghèo khó.
Giám đốc điều hành UNICEF Bà Henrietta Fore cho biết rằng: “Giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình, tuy nhiên đối với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn. Mỗi ngày, học sinh đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm đánh nhau, bị ép tham gia các băng nhóm, bắt nạt - cả trực tiếp và trên mạng, kỷ luật bạo lực, quấy rối tình dục và bạo lực có vũ khí. Về ngắn hạn, bạo lực ảnh hưởng đến việc học tập của các em, và về lâu dài bạo lực có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và thậm chí tự sát. Bạo lực là một bài học không thể quên mà không trẻ em nào cần học“.
Trường học luôn được coi là ngôi nhà thứ hai với đầy niềm vui. Đây sẽ là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp nhất, trong sáng nhất của tuổi thanh xuân mỗi người và là khoảng thời gian mà ai cũng mong muốn được ngoảnh lại khi đã xế chiều. Nhưng hiện thực ngày nay, mỗi ngày đến trường, các em học sinh luôn phải dè chừng, lo sợ bạo lực học đường sẽ xảy đến với mình. Hỏi sao các em sẽ học hành ra sao? Đã quá nhiều những sự việc đáng tiếc xảy ra, đã quá nhiều tương lai lẽ ra sẽ tươi đẹp bị khép lại, chúng ta đã chịu nỗi đau đó đủ rồi. Bây giờ, ngay lúc này, cả xã hội cần chung tay đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường và trả lại một môi trường lành mạnh cho thế hệ hệ tương lai.