Trước thực trạng nhiều sinh viên Sư phạm sau khi tốt nghiệp ra làm trái ngành, trái nghề hoặc không có việc làm đã gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như ngân sách đầu tư cho Giáo dục hàng năm… Vì vậy, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, dự thảo mới sẽ không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên Sư phạm.
Thay vào đó, dự thảo mới quy định sẽ cho sinh viên vay bằng chính sách vay tín dụng Sư phạm. Tức là các bạn sinh viên sẽ được vay tín dụng đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định (tối thiểu 5 năm ) sẽ không phải trả khoản vay tín dụng.
Ngoài chính sách ưu đãi này, sinh viên Sư phạm còn được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định.
Về số tiền cho vay theo quy định, mức vốn cho vay phải đảm bảo đủ để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm trong toàn khóa học.
Đối với chi phí sinh hoạt, sinh viên được vay tối đa 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học, tương đương 30 - 35 triệu/1 năm.
Định mức sinh hoạt phí nêu trên cũng ấp dụng mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh Lào và Campuchia diện Hiệp định học tập tại Việt Nam theo Thông tư số 140/2014/TT-BTC ngày 24/9/2014 của Bộ Tài chính.
Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên sư phạm là 0,5%/tháng. Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải thực hiện hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm (bao gồm cả vốn và lãi suất).
Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng.
Đánh giá về dự thảo mới, Bộ GD&ĐT cho hay, chính sách mới này mang lại một số ưu điểm: Học sinh, sinh viên được vay tín dụng để nộp đủ mức học phí và có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học, sau này ra trường làm đúng nghề sư phạm được xóa khoản vay; như vậy nếu sau khi ra trường làm trong ngành sư phạm thì sinh viên vẫn không phải chi trả khoản học phí.
Bên cạnh đó, chính sách mới cũng sẽ hạn chế việc lãng phí ngân sách đầu tư cho giáo dục cũng như nguồn nhân lực trong xã hội.