Tết Dương lịch (hay Tết Tây) có nguồn gốc từ thời cổ đại. Ngoài việc đánh dấu khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, đây cũng là thời điểm khép lại những điều đã qua và tiếp đón những điều may mắn, hạnh phúc đang chờ đón trong tương lai. Tùy phong tục tập quán và truyền thống văn hóa khác nhau, sinh viên ở mỗi quốc gia trên thế giới cũng có những cách thức đón năm mới thú vị và mang đậm bản sắc riêng. Cùng Saostar điểm qua một số quốc gia để xem các bạn sinh viên ở những đất nước này chào đón ngày lễ ý nghĩa như thế nào nhé.
Sinh viên Pháp tổ chức tiệc với các món ăn truyền thống
Tại Pháp, các bạn sinh viên đón năm mới trước thời điểm Noel 1-2 ngày. Đây cũng là lúc các bạn sinh viên thi nhau tổ chức tiệc ăn mừng với toàn các món ăn truyền thống của Pháp: hàu tươi ăn sống với chanh, tôm hùm, ốc, gan ngỗng, gà tây nướng rau củ, rượu vang,….
Đây là cách thức đón giao thừa mang đậm bản sắc văn hóa, tôn vinh những giá trị truyền thống và những món ăn đặc sản ở một trong những đất nước lãng mạn nhất thế giới. Giữa thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi quây quần lại bên gia đình, bạn bè, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp và cùng thưởng thức những món ăn ấm cúng quen thuộc bên ly rượu vang.
Sinh viên Tây Ban Nha ăn 12 quả nho, mặc đồ chíp đỏ để “đỏ” cả năm
Trong đêm giao thừa ở Tây Ban Nha các bạn sinh viên đất nước này cũng hòa vào dòng người đông đúc trên phố, cùng nhau tham gia bữa tiệc đếm ngược ở các quảng trường rộng lớn hoặc tụ tập tại những điểm bắn pháo hoa rực rỡ. Tuy nhiên điểm độc đáo trong dịp lễ này chính là phong tục ăn 12 quả nho, thường là nho xanh với ý nghĩa mong muốn 12 tháng sắp tới trong năm mới sẽ tràn ngập những niềm vui và hạnh phúc. Truyền thống này bắt nguồn từ năm 1909, khi những người trồng nho ở vùng Alicante, Tây Ban Nha sản xuất ra một số lượng lớn nho và không thể tiêu thụ hết. Họ đã tìm ra cách bán những quả nho dựa trên cách thức “12 quả nho may mắn” và mang lại thành công rực rỡ.
Các bạn sinh viên ở đây cũng không ngần ngại diện những bộ đồ chíp màu đỏ trong ngày đầu tiên của năm mới vì cho rằng màu đỏ hay những màu sắc rực rỡ là màu may mắn, mang lại những điều tốt lành, thịnh vượng.
Bầu không khí ở đây vô cùng sôi động và náo nhiệt với những bữa tiệc âm nhạc đã tai, mọi người thi nhau nhảy múa, chia nhau cái ôm ấm áp, chúc nhau an lành trước thềm năm mới.
Sinh viên Nam Phi ném đồ đạc đã cũ qua cửa sổ
Nếu đón năm mới ở Nam Phi, bạn chắc chắn phải cực kỳ cẩn thận với những khung cửa sổ bởi người dân nói chung và các bạn sinh viên ở đây có phong tục ném các đồ đạc đã cũ để cầu may, hi vọng bước sang năm mới sẽ gặp những điều thú vị mới, bỏ đi những điều xấu xa tiêu cực, hứa hẹn những sự thay đổi tốt lành hơn.
Ném đồ đạc đã cũ cũng bao hàm ý nghĩa trút bỏ mọi phiền muộn âu lo của năm cũ để đón năm mới với tâm thế vui vẻ, hào hứng, phấn khởi. Năm mới đã đến và cần những sự thay đổi mới mẻ để cuộc sống thêm rạng rỡ.
Sinh viên Đan Mạch ném những chiếc đĩa cũ vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè lúc giao thừa
Sinh viên Đan Mạch quan niệm rằng càng có nhiều tiếng ồn thì càng có thêm niềm vui và hạnh phúc. Việc ném đồ đạc cũ vào nhà người khác ở những quốc gia khác có thể coi là hành động bất lịch sự thì ở Đan Mạch, đây là việc làm thể hiện thái độ thiện chí, chúc phúc cho gia đình, người thân, bạn bè sẽ luôn gặp những điều an lành, tốt đẹp.
Gia chủ cũng sẽ vui vẻ tiếp nhận những chiếc đĩa cũ với tâm trạng phấn khởi, hào hứng vì cảm thấy mình được quan tâm, được nhận những lời chúc phúc ý nghĩa cho năm mới.