Có thể bạn ít khi nghe nói nhưng thực tế, tại Anh có một ngôi trường chuyên đào tạo các ông già Noel mang tên Santa chính thức hoạt động từ năm 1999 do thầy Hiệu trưởng James Lovell thành lập. Ý tưởng này được ông đưa ra vào năm 1996 khi đang đóng vai người lùn tại một cửa hiệu. Nhiệm vụ của thầy lúc đó là khiến thời gian chờ đợi của họ trôi nhanh hơn. “Rồi tôi quyết định áp dụng những kỹ năng mình có nhằm giúp trẻ em có những trải nghiệm thú vị”, thầy James nói.
Tại trường Santa, các ứng viên sẽ tham gia hội thảo huấn luyện trong một ngày. Họ sẽ phải học rất nhiều thứ như cách cười giống ông già Noel, cách hóa trang, đọc thơ, học thuộc tên các chú tuần lộc, cách nói chuyện và giọng điệu của ông già Noel, kỹ năng xử lý tình huống một cách linh hoạt.
Trên thế giới này, hầu như bất kỳ đứa trẻ nào cũng tin ông già Tuyết là có thật. Vì thế, nhiệm vụ của các ứng viên là phải duy trì niềm tin ấy. Muốn làm tốt điều này, các ông già Noel phải ứng biến thật nhanh trước câu hỏi của các em nhỏ. Trong nhiều trường hợp, họ còn phải học thuộc tên của những đứa trẻ từ trước để tiện giao tiếp với các em.
Để giúp ứng viên xử lý tình huống tốt, các HLV tại trường sẽ đưa ra rất nhiều giả định để hướng dẫn họ. Ví dụ trước những điều ước như: “Cháu muốn mẹ quay về”, “Cháu muốn khỏi bệnh” hay “Cháu muốn em trai cháu khỏe hơn”… thì ông già Noel phải tỏ ra đồng cảm và mang đến những năng lượng, niềm vui tích cực.
Ông già Noel sẽ không hỏi tên của đứa nhỏ cũng không hỏi chúng thích quà gì bởi vì theo suy nghĩ hồn nhiên của chúng, các Santa Clause đều đã biết hết rồi. Vì thế, thay vì hỏi các cháu thích gì, ông già Tuyết sẽ nói: “Ta biết điều cháu thích nhất là gì: Một bình dưa hành muối”.
Nếu đứa trẻ nói không, ông già Noel tiếp tục chọc cười và giúp chúng nói ra món quà mà mình thích. Tuy nhiên, các Santa cũng được dạy không nên hứa hẹn với đứa trẻ bất cứ điều gì vì chúng có thể thất vọng khi không nhận được. “Một ông già Noel tồi có thể phá hỏng tuổi thơ của một đứa trẻ”, vị Hiệu trưởng cho biết.