Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, ngày 1/1-31/12/2022, Hội đồng Anh đã liên kết tổ chức thi, cấp 45.679 chứng chỉ tiếng Anh Aptis và 58.414 chứng chỉ tiếng Anh IELTS trên toàn quốc.
Trong đó, giai đoạn từ 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, Hội đồng Anh đã thực hiện liên kết tổ chức 343 đợt thi cho 34.789 thí sinh và cấp 31.871 chứng chỉ tiếng Anh Aptis; tổ chức 392 đợt thi IELTS trên giấy, cấp 33.196 chứng chỉ và 589 đợt thi IELTS trên máy tính, cấp 11.149 chứng chỉ.
Tổng cộng 76.216 chứng chỉ tiếng Anh bao gồm Aptis và IELTS đã được Hội đồng Anh cấp trong giai đoạn này.
Đến giai đoạn từ ngày 10/9 đến trước ngày Hội đồng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, đơn vị này tiếp tục liên kết tổ chức thi cấp 6.046 chứng chỉ Aptis (đến trước ngày 10/11) và 8.219 chứng chỉ IELTS (đến trước ngày 17/11) với tổng 14.265 chứng chỉ của cả hai loại.
Tổng cộng cả 2 giai đoạn từ 1/1/2022 đến ngày 10/11/2022 (với chứng chỉ Aptis) và ngày 17/11/2022 (với chứng chỉ IELTS), Hội đồng Anh đã cấp sai phép 90.481 chứng chỉ, trong đó có 52.564 chứng chỉ IELTS.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, giai đoạn 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, Công ty TNHH British Council chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài theo quy định tại Điều 21 Nghị định 86/2018/NĐ-CP nhưng đã liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ Aptis, chứng chỉ IELTS trên máy tính, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Giai đoạn từ 10/9/2022 đến ngày 10/11 và ngày 17/11, khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, Công ty TNHH British Council thực hiện liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ Aptis và chứng chỉ IELTS trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Điều 21 Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ.
Trước kết quả này, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị Hội đồng Anh rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, báo cáo Cục Quản lý Chất lượng đề xuất hướng xử lý với số chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đã được liên kết tổ chức thi trái quy định trên lãnh thổ Việt Nam.
Yêu cầu Hội đồng Anh thực hiện đúng quy định cho phép của Bộ GD&ĐT tại Nghị định 86 và thông tư 11/2022.
Về xử lý hành chính, Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng Anh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm (nếu có) của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm theo quy định, báo cáo Thanh tra Bộ GD&ĐT theo quy định.
Liên quan đến số chứng chỉ tiếng Anh được cấp trái quy định của IDP và Hội đồng Anh, ngày 9/5, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo khẳng định, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.
Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 09/6/2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Như vậy, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sih và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.
Ngoài Hội đồng Anh, trước đó, kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy, Công ty IDP đã tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ IELTS trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cho phép liên kết.
Tuy nhiên trong thông báo vắn tắt của mình, ngoài việc khẳng định số chứng chỉ trên vẫn được các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới công nhận, IDP không có một dòng nào đề cập tới sai sót của mình hay xin lỗi trong việc cấp trái quy định 56.230 chứng chỉ IELTS trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép.