Thuở nhỏ, không ít người trong chúng ta viết văn bị lệch đề, phần vì suy nghĩ còn non nớt nên nghĩ gì viết nấy, phần vì chưa có nhiều kỹ năng phân tích và đọc hiểu. Cũng chính tình trạng này khiến cô giáo nhiều lần rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" với các bài văn bá đạo.
Mới đây, một bài văn của học sinh tiểu học tiếp tục khiến dân tình quan tâm và bàn luận. Theo đó, học trò này nhận được yêu cầu như sau: "Viết đoạn văn từ 8 đến 10 câu phát biểu suy nghĩ của em về đức tính khiêm tốn".
Ngay lập tức, học trò này đặt bút viết với nội dung: "Trong cuộc sống, ai cũng phải cần có lòng khiêm tốn. Lòng khiêm tốn là lòng kiên trì nhẫn nại... Vì sao chúng ta cần phải có lòng khiêm tốn? Vì có lòng khiêm tốn chúng ta mới có thành công. Trong lao động sản xuất, khi chúng ta nhìn những con đê sừng sững bên sông Hồng, thì chúng ta mới hiểu được ông cha ta đã kiên trì nhẫn nại tới mức nào để tạo nên những bức tường thành".
Như vậy, bài văn này ngay từ câu thứ 2 trở đi đã trở nên sai lệch, do đó, cô giáo ngay lập tức dùng bút đỏ gạch dưới phần bị sai, đồng thời viết lời phê: "Sai đề".
Tiếp tục đọc những dòng tiếp theo, có thể thấy, học trò đã cố gắng dùng các hình ảnh thực tế để minh họa cho bài viết, dù trí tưởng tượng phong phú, nhưng tính logic lại rất kém. Do vậy, bài văn này đã không được cô giáo chấp thuận.
Quả thực, để trẻ viết văn hay, lưu loát, mạch lạc là cả một quá trình. Do đó, các giáo viên và phụ huynh nên kèm cặp con nhiều hơn; đồng thời động viên, khuyến khích con tham gia các trải nghiệm thực tế phù hợp với lứa tuổi để kích thích tư duy cho trẻ.