Đối với một đất nước vô cùng quan trọng thành tích giáo dục như Hàn quốc, kỳ thi Đại học được ví như đấu trường sinh tử quyết định tấm vé thông hành vào tương lai sáng lạn phía trước của các em học sinh.
Học sinh ở Hàn phải chuẩn bị ho kỳ thi này ngay từ những năm Tiểu học. Áp lực đè nặng khi các em lên lớp 12- năm học mà các em gọi đó là “năm địa ngục”.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, các bậc cha mẹ đã chi tới 17,5 tỷ USD, khoảng 1,5% GDP của quốc gia này vào việc học thêm của con mình trong năm 2013.
Mỗi sáng, các học sinh dậy từ 6h30, có mặt ở trường lúc 8h, tan học lúc 16h (hoặc 17h nếu sinh hoạt câu lạc bộ) và trở về nhà ăn tối. Sau đó, học sinh Hàn Quốc đi xe buýt tới lớp học thêm hoặc trường tư buổi tối và học từ 18h đến 21h.
Sau ca học buổi tối, học sinh Hàn Quốc ở lại trường 2 giờ để tự học rồi mới về nhà vào lúc 23h, thường đi ngủ lúc 2h sáng và lại thức dậy vào 6h30 để bắt đầu một ngày học mới. Lịch học dày đặc này khiến học sinh Hàn thường xuyên mệt mỏi, dễ bị trầm cảm nhưng vẫn phải ráng vượt qua vì mục tiêu thi đỗ vào ngôi trường đại học danh giá.
Một truyền thống lâu đời của học sinh lớp 11 ở Hàn là quỳ lạy trước các điểm thi cùng nhau chúc cho các anh chị khóa trên làm bài thật tốt.
Người Hàn Quốc có câu nói rằng “tứ lang ngũ lạc” cùng với một châm ngôn trong học tập rất nổi tiếng: “Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể trở thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác. Nếu ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm học cuối cấp, đừng mơ đến chuyện trở thành sinh viên đại học”.
Trước kỳ thi, các học sinh cũng được tặng bánh “yut”. Đây là loại bánh gạo dẻo có ý nghĩa chúc cho học sinh “dính” vào ngôi trường mong muốn, mang đến điềm lành và những may mắn cho các em. Những bậc phụ huynh xếp hàng dài để cầu nguyện tại đền, chùa. Một số đi đi lại lại trước địa điểm thi suốt 8 tiếng các em làm bài Đại học vì quá sốt ruột và lo lắng. Các diễn đàn xã hội ngập tràn những lời chúc gửi tới các sĩ tử mong họ giữ sức khỏe và thi tốt, thậm chí các sao Hàn nổi tiếng cũng tham gia cổ vũ các thí sinh.
Học sinh ở Hàn cũng tránh ăn rong biển, trứng hoặc gội đầu trước kỳ thi vì tránh điềm gở, có thể sẽ bị điểm thấp hoặc quên hết những kiến thức đã ôn luyện.
Một hành động có phần hơi kỳ cục khác là việc tặng giấy vệ sinh giúp sĩ tử có thể “giải quyết” bài thi tốt nhất và nhanh chóng.
Trong ngày thi quan trọng này, chính quyền Seoul kêu gọi người dân chỉ nên ra đường sau 8h10, khi địa điểm thi đã đóng cửa. Đồng thời, các ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán sẽ mở cửa muộn hơn một tiếng, vào lúc 10h để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp thí sinh đến trường thi đúng giờ.
Trong thời gian 35 phút bài thi Nghe môn Tiếng Anh (bắt đầu từ 13h05), các chuyến bay ở Hàn cũng bị cấm không được cất cánh hay hạ cánh. Quân đội cũng không tiến hành tập trận. Toàn bộ đất nước này đã sẵn sàng “bật chế độ im lặng” để các học sinh tập trung làm bài.
Tại Seoul, gần 800 ô tô thực hiện việc chuyên chở thí sinh sẽ được đặt quanh thành phố để chở học sinh đi muộn tới nơi thi miễn phí. Trường hợp thí sinh bị ách tắc giao thông có thể gọi vào đường dây nóng 112 và yêu cầu xe cảnh sát luôn túc trực để sẵn sàng trợ giúp.
Những hành động trên cho thấy kỳ thi Đại học ở Hàn có tính chất quan trọng như thế nào, thể hiện sự coi trọng truyền thống học hành ở Hàn Quốc và nếu muốn có một tương lai vững chắc, các em học sinh sẽ phải cố gắng chịu đựng những áp lực để thi đỗ ngôi trường danh giá.