Thu tiền xong… mất tích
Ngày 21/9, phản ánh đến PV Tiền Phong, nhiều học viên, phụ huynh có con đang học ở SAS TPHCM bày tỏ bức xúc khi đã nộp tiền học tiếng Anh giao tiếp nhưng đến nay, trung tâm này không có động thái mở lớp và cũng không liên lạc được.
Chị Hà, ngụ quận Gò Vấp đã đóng hơn 16 triệu đồng cho hai con để theo học tiếng Anh giao tiếp tại SAS. Theo chị Hà, khoảng giữa năm 2020, chị biết đến SAS (chi nhánh Trần Thị Nghỉ, quận Gò Vấp) nên đã cho con theo học.
Thời điểm khoảng tháng 3/2021, sau khi kết thúc khóa đầu tiên, chị Hà đăng ký tiếp cho con học với mức hơn 16 triệu đồng. Học được một thời gian thì dịch bùng phát nên hai con chị nghỉ học từ đó đến nay. “Trước tình hình dịch bệnh, tôi rất thông cảm cho trung tâm nhưng phía trung tâm không có động thái gì kể cả dạy online. Tôi cũng không có cách nào liên lạc được với trung tâm này”, chị Hà nói.
Tháng 3/2021, Minh Hiếu được nhân viên SAS tư vấn về 6 khóa học tiếng Anh giao tiếp cơ bản kéo dài trong một năm rưỡi. Đăng ký trọn gói sẽ được chiết khấu và một chuyến đi du lịch nên Hiếu đã nộp tiền toàn khóa với mức hơn 25 triệu đồng cho 2 người.
Ngày 10/3, Hiếu tham gia lớp học đầu tiên và đến tháng 5 thì kết thúc khóa 1. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là lúc dịch bệnh bùng phát nên trung tâm ngưng giảng dạy. “Từ đó đến nay, trung tâm không liên lạc gì với em để dạy online. Em cũng tìm cách liên lạc với trung tâm nhưng không được. Fanpage của trung tâm thì bị xóa thông tin, đổi tên, nhân viên tư vấn thì hủy kết bạn. Em rất hoang mang, lo lắng”, Hiếu nói.
Hồng Vân, học viên khác đặt nghi vấn SAS có dấu hiệu “lừa đảo”. Vân cho biết, Trung tâm đã hoàn toàn ngưng hoạt động nhưng lợi dụng tình hình dịch, vẫn kêu gọi học viên đóng tiền học phí tiếp tục để được học online.
“Đến tháng 7, Trung tâm ngưng dạy online với lý do nhân viên nhiễm Covid-19. Tới nay 2 tháng rồi mà vẫn không thấy động tĩnh gì. Gọi điện số hotline của trung tâm thì không ai bắt máy. Liên hệ với giáo viên thì được biết trung tâm đã hoàn toàn ngưng hoạt động, trả mặt bằng, nợ lương giáo viên không trả…”, Vân nói.
Giáo viên, nhân viên mỏi mòn chờ lương
Phản ánh với PV, chị B.N.T ngụ quận 12, giáo viên của SAS chi nhánh quận 12, Gò Vấp cho biết, trung tâm đang nợ chị 80% lương tháng 3 và 100% lương tháng 4, tổng cộng hơn 27 triệu đồng.
“Tôi đã nhiều lần liên lạc với những người có trách nhiệm trong công ty nhưng không được, lên tận trụ sở công ty thì không ai tiếp. Ngoài lương, tôi không biết họ có đóng bảo hiểm xã hội cho tôi không nữa”, chị T bức xúc nói và cho biết thêm, ngoài chị thì nhiều nhân viên, giáo viên khác đang làm cùng cơ sở với chị cũng đang rơi vào cảnh khó khăn do bị SAS nợ lương.
Tương tự, anh Bùi Đình Bảo đang làm giáo viên của SAS, cơ sở Phan Đăng Lưu và Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) cho biết, SAS đã bắt đầu chậm trả lương kể từ khi đợt dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2019, đầu 2020.
Theo đúng quy tắc, nhà trường sẽ trả lương cho giáo viên- nhân viên vào ngày mùng 5 hàng tháng, nhưng cho đến ngày mùng 5 thì phía nhà trường có gửi email qua cho nhân viên để thông báo trễ hẹn lương và tình trạng trên xảy ra liên tục cho đến những tháng đầu của năm 2021.
“Theo danh sách thống kê ở các cơ sở tôi đang dạy thì có hơn 30 giáo viên, nhân viên đang bị SAS nợ lương với gần 400 triệu đồng. Việc này cũng xảy ra ở nhiều cơ sở khác, trong đó, có nhiều giáo viên nước ngoài đang bị nợ lương từ 30 -50 triệu đồng, bản thân tôi đang bị công ty nợ hơn 16 triệu tiền lương”, anh Bảo nói.
Anh Bảo cho biết, anh cũng đã nhiều lần gọi cho giám đốc, phó giám đốc. “Những lần đầu họ bắt máy và hứa hẹn nhưng sau này thì họ không bắt máy nữa, nhắn tin cũng không trả lời”, anh Bảo bức xúc nói.
Liên quan đến sự việc này, PV đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Đỗ Văn Quản, người được cho là CEO của SAS theo thông tin của các học viên, nhân viên cũng cấp nhưng người này không bắt máy, nhắn tin không trả lời.
PV tiếp tục liên lạc qua điện thoại với một người khác có tên là Vũ Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc SAS. Theo đó, ông Tuấn Anh xác nhận, ông là phó giám đốc SAS nhưng ông cũng chỉ là một nhân viên của công ty.
“Nhiều tháng nay, tôi bị các học viên, nhân viên gọi điện “khủng bố” liên tục về học phí, tiền lương nhưng bản thân tôi cũng chỉ là nhân viên của công ty và cũng đang bị nợ lương như họ”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, ông đang chờ hết đợt giãn cách 30/9 sẽ đến công ty, làm việc với những người liên quan để tìm câu trả lời…
Theo thông tin từ website của Sở GD&ĐT TPHCM, SAS có tất cả 24 chi nhánh ở nhiều quận huyện khác nhau. Trong đó, có 3 chi nhánh giải thể, 3 chi nhánh chưa được cấp phép, số hoạt động còn lại đang hoạt động.