Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Giao lưu trực tuyến cùng ĐH Kinh tế Quốc dân: Nhiều sinh viên năm 3 đã kiếm được việc làm thu nhập khá

Team Sinh viên TV Theo dõi Saostar trên google news

Sáng nay, Tòa soạn Saostar tổ chức buổi tư vấn trực tuyến tuyển sinh với ĐH kinh tế Quốc dân - trường Đại học hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam.

Khách mời tham gia tư vấn là TS Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo - người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tuyển sinh của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Buổi giao lưu sẽ giải đáp thắc mắc liên quan đến các ngành học hot trong mùa tuyển sinh năm nay, phương án tuyển sinh, chính sách học bổng, học phí, chương trình đào tạo… của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Thông qua buổi tư vấn trực tuyến này, chúng tôi hy vọng thí sinh cùng phụ huynh sẽ có cái nhìn khách quan, đúng đắn về xu hướng chọn ngành học trong năm 2019. Từ đó đưa ra những quyết định phù hợp liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường đáp ứng 2 tiêu chí năng lực bản thân và nhu cầu xã hội.

Độc giả Nguyễn Lan Hương hỏi: Theo dõi BXH quốc tế Unirank năm 2018, em thấy ĐH Kinh tế Quốc dân không xuất hiện trong top 10, BXH Nhóm Xếp hạng các trường đại học Việt Nam, NEU đứng thứ 30, Kết quả xếp hạng Webometrics công bố hồi tháng 1/2018, ĐH Kinh tế Quốc dân cũng không có mặt trong top 5 trường công lập uy tín nhất… Vậy về lời giới thiệu NEU là trường ĐH Kinh tế hàng đầu cả nước có đáng tin cậy? Có phải chất lượng của NEU đã và đang đi xuống?

- Xin cám ơn bạn đã theo dõi kỹ chất lượng đào tạo và xếp hạng của Kinh tế Quốc dân rất kỹ. Thực tế bảng xếp hạng sẽ có một tiêu chí riêng. Tuy nhiên, thông thường các BXH này sẽ đánh giá tổng hợp. ĐH Kinh tế quốc dân chủ yếu đào tạo về kinh tế. Vì thế, khi xét về tổng hợp các ngành đạo tạo để so sánh với các trường khác thì ĐH Kinh tế Quốc dân khó cạnh tranh. Song, xét về lĩnh vực đào tạo Kinh tế thì theo Webometrics đánh giá, Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP.HCM là 2 trường đứng đầu cả nước. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng lời quảng cáo, NEU là trường ĐH Kinh tế hàng đầu cả nước.

Xét về chất lượng đào tạo thì được đánh giá qua 4 yếu tố là: Trình độ chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng đầu vào, chương trình đào tạo. Xét về trình độ chất lượng giảng viên trường Kinh tế Quốc dân có nhiều giảng viên trình độ GS, TS, PGS nhiều nhất cả nước.

Cơ sở vật chất hiện đại do từ 2017-2018 trường đưa vào sử dụng 19.000m2 với thiết kế từ chuyên gia Pháp. Trưởng sở hữu thư viện riêng 1 tòa nhà 5 tầng với thiết kế hướng mở. hiện tại, trường đang triển khai dự án thư viện điện tử với sự đầu tư của ngân hàng Thế giới, đọc sách ở bất cứ nơi đâu chứ không riêng tại trường.

Chất lượng đầu vào: Điểm trúng tuyển vào Kinh tế Quốc dân thuộc top đầu, hầu như các chỉ tiêu đều kín ngay từ đợt đầu.

Chương trình đào tạo cập nhật liên tục, 2 năm cập nhật 1 lần. Phần lớn chương trình đào tạo hiện nay đều được kiểm chứng rằng ít nhất được 3 trường ĐH lớn trên quốc tế giảng dạy mới đưa vào. Trường dụng nhiều chương trình tiên tiến được dùng ở các nước phát triển.

Đặng Diệu Chi: Bỏ một số tiền lớn theo học chương trình tiên tiến của NEU, lợi ích của các bạn sinh viên sau khi ra trường như thế nào? Cơ hội việc làm sau khi học chương trình này như thế nào?

- Đây là chương trình được khởi động cách đây 10 năm qua dự án riêng của Bộ GD&ĐT nhằm hướng đến việc các trường ĐH trong nước tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại nhất trên thế giới.

Chương trình này sẽ có chút khác biệt đó là bạn sinh viên được đào tạo theo chương trình gần như giống hệt các bạn đang được đào tạo tại Mỹ, Anh…

Giảng viên trong chương trình này một phần là của ĐH Kinh tế quốc Dân từng học tập tại nước ngoài, hàng năm sang nước ngoài tập huấn. Một phần là giảng viên của các trường ĐH đối tác.

Chuẩn đầu ra tiếng Anh chương trình này là IELTS 6,5. Với chất lượng đào tạo và ngoại ngữ như vậy, nhiều bạn đã tìm được việc làm lương cao hoặc xin học bổng đi nước ngoài du học.

Thầy Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo - người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tuyển sinh của ĐH Kinh tế Quốc dân - tham gia buổi tư vấn tuyển sinh.

Vũ Tuấn Anh: Em có thấy thông tin là điểm rèn luyện cả khóa phải trên 80 thì mới được bằng giỏi và xuất sắc? Vậy điểm rèn luyện ở ĐH kinh tế Quốc dân là gì, cách tính thế nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thành tích học tập?

- Cảm ơn bạn đã tìm hiểu rất kỹ về quy định của trường. Hiện nay, điểm rèn luyện là yếu tố đánh giá bắt buộc đối với sinh viên. Tuy nhiên, thông tin bạn hỏi là không chính xác bởi bì Bằng giỏi, xuất sắc không yêu cầu điểm rèn luyện từ 80 trở lên mà chỉ cần ở mức trung bình trở lên.

Bằng giỏi hay xuất sắc chủ yếu phụ thuộc vào kết quả học tập. Tuy nhiên, nếu bị điểm rèn luyện ở mức yếu hoặc kém sẽ bị nhắc nhở. Nếu liên tiếp 2 học kỳ vẫn như vậy có thể bị xem xét cho thôi học.

Điểm rèn luyện được đánh giá bằng: Ý thức học tập, kết quả chấp hành nội quy quy chế, tham gia hoạt động chính trị thể thao, ý thức công dân trong hoạt động cộng đồng, thành tích nghiên cứu khoa học và tích cực tham gia hoạt động cán bộ lớp.

Hiện nay, nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia rèn luyện kỹ năng mềm qua các CLB trong trường, tham gia nghiên cứu khoa học, các cuộc thi mang tính chuyên môn.

Nếu một sinh viên không vi phạm quy chế, ý thức học tập tốt có thể đạt mức điểm rèn luyện khá. Vì thế, các bạn thí sinh không nên quá lo lắng vấn đề này.

Học phí của NEU có ở mức cao so với trường công lập?

Bạn Phạm Bảo Long hỏi: Học phí của NEU trung bình 1 năm là 21 triệu đồng hệ đại trà, hơn 50 triệu chương trình tiên tiến, đây liệu có phải là mức cao với các trường công lập không? Trong năm tới liệu nhà trường có tiếp tục tăng học phí không? Nếu tăng thì sẽ tăng như thế nào? Cụ thể học phí với từng chương trình đào tạo sẽ ra sao?

- Hiện nay không chỉ NEU mà nhiều trường đại học Việt Nam đã được nhà nước cho phép tự chủ học phí với mức dao động 18triệu đồng/năm. Ngành thấp nhất của nhà trường là 13-14 triệu đồng , cao nhất là 19triệu đồng, nên mức trung bình là 17-18triệu đồng.

Với trường công lập thì đây không phải là mức cao, tương đương các trường đại học khác như đại học ngoại thương… Chương trình tiên tiến thì cao hơn, học sinh có thể xem xét để có thể theo học chương trình tiên tiến hay không vì đây hoàn toàn là tự nguyện. Chương trình này học hoàn toàn học bằng tiếng Anh. Mức lộ trình tăng học phí được công khai trên web nhà trường, trung bình các năm qua chỉ tăng 5-7% và nhà trường cam kết không tăng quá 10%/năm.

Nguyễn Thị Lý: Em ghét Toán mà lại muốn học Kinh Tế, em muốn thi vào ngành Quan hệ Công chúng, ai cũng bảo không giỏi Toán mà muốn học Kinh tế thì đây là lựa chọn tuyệt vời nhất? Thầy có thể cung cấp thông tin về ngành này không và mong thầy tư vấn điểm chuẩn dự kiến năm nay và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

- Đúng là ĐH Kinh tế Quốc dân có hai mũi nhọn đào tạo là Toán và ngôn ngữ Tiếng Anh. Việc này nhằm đảm bảo các em ra trường hoạt động trong nền kinh tế hội nhập, sau này ra trường phát triển tốt hơn.Tùy vào từng ngành, kiến thức Toán học nhiều hay ít. Một số ngành như khoa học dữ liệu, bảo hiểm… yêu cầu kiến thức Toán học nhiều hơn. Còn nhiều ngành khác như ngành em chọn không yêu cầu các em phải quá giỏi về Toán.

Quan hệ công chúng là ngành mới mở từ năm 2018. Tuy nhiên, dù mới nhưng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Dự kiến điểm chuẩn năm nay tiếp tục nằm trong top đầu điểm cao ở ĐH kinh tế quốc dân, có lẽ phải 23 trở lên, tùy theo đề thi và kết quả thi THPT quốc gia của các em.

Cơ hội việc làm thì rất nhiều. hiện nay, nhà trường giữ chỉ tiêu ngành chỉ ở mức 50-60 người. Thực tế hiện nay cho thấy những ngành marketing, quan hệ công chúng có nhiều cơ hội việc làm. Ngành Marketing, NEU có lịch sử đào tạo 30 năm. Nhiều năm qua, sinh viên chỉ học đến năm thứ 3 đã kiếm được việc làm thu nhập khá.

Nguyễn Duy Nghĩa: Ngành Ngôn ngữ Anh của Kinh tế Quốc dân có gì nổi bật so với các trường khác mà em thấy điểm đầu vào cao quá - 30,75 điểm và không thấy nhân đôi hệ số tiếng Anh?

- Tôi nghĩ bạn xem chưa kỹ bởi vì ngành này 30,75 đã tính nhân đôi hệ số tiếng Anh. Điểm nổi bật của ngành này ở NEU là ngoài đào tạo tiếng Anh thương mại, chúng tôi còn đào tạo thêm ngành phụ là quản trị kinh doanh. Sau khi ra trường, sinh viên được cấp bằng phụ về quản trị kinh doanh. Do đào tạo song song như vậy nên sinh viên ngành ngôn ngữ Anh ở NEU vất vả hơn nhưng phổ việc làm rộng hơn, bao gồm biên phiên dịch, chuyên gia marketing, xuất nhập khẩu… Với lợi thế như vậy, điểm đầu vào của ngành Ngôn ngữ Anh ở NEU so với các trường khác khá cao. Năm thấp nhất là 28, cao nhất 30,75.

Ngành nào HOT trong mùa tuyển sinh 2019?

Nguyễn Văn An: Theo thầy, mùa tuyển sinh năm nay, ngành nào sẽ hot nhất và có tỷ lệ chọi cao?

- Tại thời điểm hiện nay chúng tôi cũng khó có thể trả lời chính xác rằng ngành nào sẽ hot trong năm nay. Có lẽ phải chờ đến tháng 7 sau khi thi, các em đăng ký ngành thì mới trả lời chính xác được. Tuy nhiên, ở thời điểm này, theo nhận định định của chúng tôi, xu hướng năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Các ngành Xuất nhập khẩu, hội nhập, marketing, kế toán tài chính. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, lĩnh vực liên quan đến khởi nghiệp… sẽ tiếp tục lên ngôi. Tuy nhiên, tôi cũng nhắc lại đây mới chỉ là ý kiến cá nhân. Câu trả lời chính xác thì chúng ta vẫn phải chờ đến tháng 7 mới biết được.

Trịnh Thu Hường: Em nghe nói tỷ lệ sinh viên của NEU có việc làm đúng chuyên ngành sau khi ra trường rất cao, lên tới 95%. Vậy, chính sách hỗ trợ việc làm của NEU dành cho sinh viên như thế nào ạ?

- Tỷ lệ có việc làm ở Kinh tế Quốc dân là 95% nhưng đúng ngành thì chưa tới 95% vì phương thức đào tạo của nhà trường hướng tới diện rộng nên khi ra trường các em có thể làm các ngành khác chẳng hạn như làm quản trị kinh doanh có thể ra làm ngân hàng. Chính sách hỗ trợ việc làm có 3 phương thức: Quá trình trình học tập: cho các em sinh viên tới các công ty làm việc. Tổ chức hội chợ việc làm hàng năm để giúp các sv năm cuối có thể trực tiếp nộp hồ sơ. Và sắp tới đây nhà trường sẽ tổ chức kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên hàng năm Rèn luyện kỹ năng xin việc như viết hồ sơ, đi xin việc để hỗ trợ cho các e lúc đi xin việc, xác suất sẽ cao hơn nhiều.

Thầy Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Trần Thị Lan: Em đọc báo và thấy nhiều trang dự báo ngành Logistics mùa tuyển sinh năm nay sẽ hot vì trong tương lai cần nhiều nhân sự ngành này. ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay mới mở ngành này. Vậy thầy có thể giới thiệu kỹ hơn về ngành này, điểm chuẩn dự kiến và cơ hội việc làm sau khi ra trường?

- Ngành mới mở năm ngoái do nhu cầu của của sinh viên và xã hội đang thiếu nhân sự về ngành Logistics. Ngành này sẽ giúp các em biết được toàn bộ quá trình từ sản xuất tới đưa tới tay người tiêu dùng. Trong vòng 10 năm tới, số lượng nhân sự trong ngành Logistics là 180.000 người nên các bạn hoàn toàn yên tâm về vấn đề việc làm sau khi ra trường.

Đỗ Thị Dung: Ngành Luật kinh tế của trường năm sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm thế nào? Để làm được việc ở các phòng pháp chế doanh nghiệp, sinh viên có cần học thêm văn bằng, chứng chỉ nào hay không?

- Ngành luật của trường kinh tế quốc dân và ngành luật nói chung thì các em sẽ có cơ hội việc làm lớn trong các doanh nghiệp vì hiện nay các doanh nghiệp thường có một bộ phận pháp chế. Thông thường nếu các bạn chỉ làm ở doanh nghiệp thì k cần học thêm văn bằng nào cả, nhưng nếu trở thành luật sư thì cần phải học thêm văn bằng pháp chế.

Vũ Đức Anh: Ai cũng bảo ĐH Kinh tế Quốc dân nhiều trai xinh gái đẹp lắm. Vào đây là “auto” có người yêu. Chuyện này có thật không thầy?

- Đại học Kinh tế Quốc dân là trường có nhiều sv nên tỷ lệ trai xinh gái đẹp là đúng. Minh chứng là có mấy bạn đều đạt vào top 20 hoa hậu Việt Nam như bạn Nguyên Phương Nga là Á hậu Việt Nam năm 2018. Hoạt động của nhà trường có nhiều nên các bạn sẽ có nhiều cơ hội để kết nối hơn. Khi tới trường hay khuôn viên ký túc xá, các bạn có thể thấy nhiều hoạt động đang diễn ra. Có thật hay không thì mời các bạn tới Kinh tế Quốc dân trải nghiệm để có kết luận chính xác cho riêng mình nhé!

Ngành dạy về khởi nghiệp vô cùng hấp dẫn

Nguyễn Diễm Hằng: Em thấy nhà trường mở ngành học rất hay là dạy về khởi nghiệp. Đó là ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh (B-BAE) học bằng tiếng Anh. Vậy em muốn hỏi điều kiện tiếng Anh khi thi vào? Chuẩn đầu Anh đầu ra. Ngoài ra, em muốn hỏi ngành này tập trung học vấn đề gì, chương trình có gì đặc biệt. Dạy về khởi nghiệp thì trường tạo điều kiện thế nào để sinh viên bắt đầu kinh doanh ngay từ khi còn là sinh viên?

- Cảm ơn bạn đã quan tâm đến ngành này của nhà trường. Mặc dù đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng nhà trường không quy định điều kiện “cứng” tiếng Anh đầu vào mà chỉ cần đủ điểm đỗ vào ngành này của trường là được. Tuy nhiên do học bằng tiếng Anh nên các bạn phải chuẩn bị tâm thế tiếng Anh khá trở lên. Những bạn tiếng Anh còn kém thì nhà trường sẽ tổ chức chương trình bổ trợ trong năm đầu.

Chuẩn đầu ra IELTS 6,5 quốc tế hoặc chứng chỉ tương được Chương trình có 2 điểm đặc biệt. Một là liên kết với trường ở Mỹ. Học hết năm 2, sinh viên có thể chuyển sang Mỹ học tiếp. Điểm thứ 2 là việc tổ chức đào tạo như diễn ra tại Mỹ. 2 năm đầu, sinh viên sẽ học kiến thức rộng. Ngoài về kinh tế còn học khiêu vũ, giao tiếp 2 năm cuối mới học nhiều về kinh tế và khởi nghiệp. Tất nhiên về lĩnh vực khởi nghiệp nên sinh viên được đầu tư, hỗ trợ hết mức về khởi nghiệp.

Nguyễn Quốc Anh: Nhà trường có chính sách hỗ trợ học phí như thế nào đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn?

- Nhà trường theo đuổi mục tiêu là không để sinh viên đủ khả năng theo học tại trường nhưng lại không thể đi học vì hoàn cảnh khó khăn. Đối tượng nhà trường hỗ trợ bao gồm các bạn sinh viên diện chính sách ở vùng khó khăn hoặc theo đúng quy định nhà nước. Đối với nhóm sinh viên này, ngoài mức hỗ trợ chung của nhà nước, chúng tôi còn có chế độ miễn giảm học phí. Quỹ học bổng của trường hiện nay ngoài do trường cung cấp còn có sự đóng góp của các cựu sinh viên cũng như doanh nghiệp tài trợ lên tới khoảng 10-15 tỷ đồng/năm. Sinh viên có thể nộp đơn xin học bổng. Ngoài ra, thầy nghĩ các em nên chủ động bằng hình thức vay vốn hoặc sắp xếp thời gian để tìm kiếm việc làm thêm, trang trải chi phí học tập.

Nguyễn Thanh Thu: Mức lương trung bình của sinh viên NEU sau khi ra trường 1 năm thường là bao nhiêu? Em đọc nhiều bài báo nói sinh viên ĐH Bách khoa, Ngoại thương, Khoa học Tự nhiên vừa mới ra trường đã kiếm được lương 3.000 USD. Vậy ở ĐH Kinh tế Quốc dân thì sao? Chuyện này có không? Mức độ thường xuyên như thế nào?

- Theo tôi biết, mức lương trung bình của sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân sau khi ra trường là 9-10 triệu. Với con số 3.000 USD như nhiều báo đưa tin, tôi nghĩ đó là con số rất ít đối với tất cả các trường ĐH. Có thể, số lượng chỉ là 1-2% sinh viên sau khi ra trường. Thông thường, mức lương này có thể dành cho 2 đối tượng chính là sinh viên khởi nghiệp tốt từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường và trường hợp 2 là những bạn có kiến thức chuyên sâu, rất giỏi về 1 lĩnh vực, sau khi ra trường được doanh nghiệp nghiệp nước ngoài tuyển dụng ở vị trí chuyên gia.

Nguyễn Thu Trang: Sắp thi rồi nhưng em chưa biết nên chọn ngành gì? Thầy có thể cho em lời khuyên được không? Theo thầy, đâu là những tiêu chí quan trọng khi chọn trường, chọn ngành?

- Đứng trước những ngã rẽ quan trọng như các bạn hiện nay quả thực rất khó để đưa ra quyết định. Tôi đồng cảm và rất hiểu, nhất là trong bối cảnh hiện nay thông tin tư vấn tuyển sinh rất phong phú, các trường đều cung cấp thông tin đầy đủ. Để chọn ngành phù hợp, các bạn nên dựa vào 2 yếu tố là thế mạnh và niềm yêu thích của các bạn. Căn cứ vào 2 yếu tố đó, các bạn có thể chọn ngành phù hợp.

Về việc chọn trường thì đúng là cùng một ngành có nhiều trường đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề này không khó vì các bạn nên chọn trường có điểm cao nhất có thể vào được. Điểm chuẩn hiện nay vẫn là 1 trong các tiêu chí thể hiện mức độ yêu thích của xã hội đối với ngành học ở một trường ĐH. Ngoài ra, các bạn nên lựa chọn dựa theo một số yếu tố như vị trí trường ĐH. Ví dụ, nhiều bạn thích học trường gần nhà nhưng cũng có bạn thích đến Thủ đô hoặc TP. HCM để học hỏi được nhiều hơn, thuận lợi về việc làm. Tiêu chí thứ 2 các bạn nên xem xét là nhìn vào chất lượng trường ĐH thông qua 5 yếu tố mà tôi đã đề cập. Một kênh nữa các bạn có thể tham khảo là tìm hiểu qua mạng lưới cựu sinh viên để biết được ý kiến của những người đi trước về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Cho em hỏi về ngành kế toán - kiểm toán của trường ạ. Ngành kế toán em thấy trường chỉ lấy 120 chỉ tiêu kiểm toán, vậy nếu khi đỗ vào trường muốn học kiểm toán thì mình tự đăng kí hay nhà trường sẽ xếp ạ? TS tư vấn giúp em về cách xét tuyển ngành này với ạ, em chưa hiểu rõ lắm.Em cảm ơn ạ!

- Ngành kế toán học phí 1 năm thường là 19 triệu đồng/năm. Nếu có chứng chỉ IELTS 6.5 cộng 2 môn thi Toán và môn bất kỳ đạt 14 điểm trở lên thì được ưu tiên khi xét tuyển vào lớp kiểm toán. Sau khi đăng ký, trường sẽ căn cứ điểm thi + nguyện vọng để xét từ trên xuống dưới. Tuy nhiên chỉ tiêu ngành kế toán - kiểm toán 120 như em nói là chưa chính xác. Chỉ tiêu có thể là 180-200 tùy theo thực tế.

Em muốn hỏi là ở trường đại học kinh tế quốc dân nếu e trúng tuyển vào 1 ngành học trong đó rồi nhưng không phải ngành em thích thì hết kì 1 hoặc hết năm nhất thì em có được chuyển sang học ngành khác không ạ?

- Học không thấy phù hợp thì hết học kỳ em có thể chuyển ngành khác, nhưng được học song song 2 chương trình, cấp 2 bằng. Những môn học giống nhau giữa 2 ngành không cần học hoặc đóng học phí.

Nguyễn Văn Lịch: Em nghe nói lĩnh vực marketing hiện tại và trong tương lai đều là ngành hot, có thu nhập cao. Thầy đánh giá thế nào về thông tin này. Đối với sinh viên NEU sau khi tốt nghiệp ngành này thường có phổ lương thế nào?

- Đúng là lĩnh vực marketing và trong 10 năm tới sẽ thiếu nguồn nhân lực tại Việt Nam. Ngành marketing của trường thì học tới năm 3-4 phần lớn sinh viên có việc làm, thu nhập mới ra trường sẽ dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng tùy theo công việc.

Phạm Hồng Ngọc: Em ở Vinh, muốn thi vào Kinh tế Quốc dân và trọ ở KTX? Không biết có cần điều kiện gì mới được ở KTX không thầy? Chi phí hàng tháng ở KTX như thế nào?

- Nhà trường hàng năm có thể cung cấp được hơn 2.000 chỗ ở. KTX có hạn nên nhà trường thường ưu tiên ở vùng sâu vùng xa, khu vực 2 nông thôn rồi đến khu vực 3 theo đúng tiêu chí của đào tạo. Phần lớn học sinh muốn vào KTX, nhà trường sẽ cố gắng tạo điều kiện nhất cho các em. Chi phí tùy thuộc vào từng loại hình phòng ở dao động từ 400-800k/tháng/sinh viên. Nhà nước cũng có 1 khu KTX bên Pháp Vân, cách nhà trường không xa khoảng 4-5km nên các em có thể ở KTX tại đó.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Team Sinh viên TV

Được quan tâm

Tin mới nhất