Theo đó, để tạo điều kiện cho các phụ huynh, học sinh trên cả nước thuận lợi trong việc tra cứu điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cung cấp dữ liệu điểm thi cho các cơ quan báo chí để đăng tải rộng rãi.
Cũng theo Bộ GD-ĐT cho biết, đến thời điểm này, theo báo cáo của địa phương, các hội đồng chấm thi làm việc trách nghiệm, đúng quy trình, quy chế; trong quá trình chấm, công tác phòng chống dịch Covid- 19 được thực hiện nghiêm ngặt.
Một số địa phương đã hoàn thành việc chấm thi. Nhìn chung, hoạt động chấm thi diễn ra thuận lợi, bảo đảm hoàn thành chấm thi và công bố điểm theo đúng kế hoạch.
Về những quy định trong chấm tự luận được thực hiện nghiêm ngặt như một bài thi được 2 giám khảo ở 2 tổ chấm độc lập, có thống nhất điểm; chấm kiểm tra ít nhất 5% tổng số bài thi... Qua báo cáo, việc chênh lệch điểm giữa 2 giám khảo ít xảy ra; quá trình chấm kiểm tra cũng chưa phát hiện vấn đề bất cập.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, trong đó có công tác chấm thi, đặc biệt ở bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Điểm chuẩn đại học có thể tăng nhẹ với khối D,A1, sẽ giảm ở khối A,B
Trải qua 2 mùa thi giữa đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định đề thi có độ phân hóa thấp dẫn đến việc điểm chuẩn của nhiều trường ở ngưỡng cao, nhiều ngành học "hot" sẽ tăng nhẹ.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, dựa trên kinh nghiệm quan sát đề thi Tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020, có thể dự đoán đề thi đợt 2 của năm 2021 diễn ra trong bối cảnh phức tạp hơn rất nhiều của dịch Covid, sẽ có ít nhất hai điểm thuận lợi như sau:
Với kiểu dạng bài, câu hỏi tương tự như đề thi đợt 1, thí sinh thi đợt 2 có thể rút kinh nghiệm cho kì thi của mình, bớt cảm giác bất ngờ, lo lắng; hai là độ phân hóa của đề thi đợt 2 nhiều khả năng tương đương với đợt 1 và sẽ không làm khó thí sinh. Với mức độ đề thi như vậy, cô Tuyết dự đoán phổ điểm của phần lớn các môn có thể từ 7,5 tới 8,5 điểm.
Cụ thể, đề thi Ngữ văn trong kì thi Tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 đã cho thấy đề thi vừa sức, quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo. Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi Đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn.
Căn cứ vào thực tiễn đề thi và dự đoán phổ điểm, cô Tuyết nhận định điểm chuẩn đại học năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm 2020. Tuy nhiên, nếu điểm chuẩn có tăng thì cũng sẽ chỉ tăng ở mức nhẹ trong khoảng 0,5 - 1,0 điểm đối với một số tổ hợp có chứa các môn Toán - Văn - Anh.
Về vấn đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI phân tích thêm: Nhiều thầy cô giáo giàu kinh nghiệm đã đánh giá kỹ lưỡng sự phân hóa đề thi và cho biết đề Toán - Văn - Anh dễ hơn năm ngoái nhưng đề Lý - Hóa - Sinh thì khó hơn.
Vì vậy, năm 2021 những ngành xét tuyển hoàn toàn bằng khối D, A1 (những khối thi có Toán, Anh) thì điểm chuẩn có thể tăng nhẹ. Những ngành/trường chỉ xét tuyển bằng khối A hoặc B thì điểm chuẩn có thể giảm.
Còn những ngành mà trong các tổ hợp xét tuyển có cả khối D, A1, A... thì điểm chuẩn có thể giảm ít hơn, vì các trường vẫn sẽ dùng 1 mức điểm chuẩn chung cho tất cả các khối. Riêng đối với những ngành quá hot, có thể điểm chuẩn vẫn tăng.
Ngoài ra, theo thầy Ngọc, điểm chuẩn đại học của năm 2020 rất cao, thậm chí rất nhiều ngành/trường đã lấy điểm chuẩn ở mức kỷ lục trong lịch sử trường mình. Ví dụ như năm 2020, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có mức điểm chuẩn thấp nhất là 22,5, cao nhất là 29,04 điểm.
Trường Đại học Y Hà Nội, có điểm chuẩn thấp nhất là 22,4, cao nhất là 28.9 điểm. Ở phía Nam, trường Đại học Bách khoa TP.HCM có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 và cao nhất là 28 điểm. Như vậy, chuyện tăng điểm năm nay có thể xảy ra nhưng sẽ tập trung ở các trường top, ngành hot.