Như thông tin đã đưa, trong lễ khai giảng năm học mới của Trường ĐH Y dược TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị trường này đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM.
Trong buổi lễ, Bộ trưởng đã nhắc nhở trường về tên gọi “ĐH” là không đúng. “Chỉ có thể là ĐH Sức khỏe, dưới đó có school (trường). Nhưng hiện nay dưới trường chỉ có khoa nên chúng ta chỉ có thể gọi là trường ĐH thôi, chưa thể gọi là ĐH và cái này Bộ GD-ĐT đã góp ý rồi”.
Nhiều chuyên gia không đồng tình với việc thay đổi tên gọi
Liên quan đến vụ việc này, theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia cho rằng không cần thiết phải thay đổi tên gọi của Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Cụ thể, ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) - cũng cho biết còn nhiều băn khoăn về tên gọi nhưng theo ông, không cần phải thay đổi vì đó là lịch sử, là tiềm thức của nhiều thế hệ.
TS ĐINH THẾ HIỂN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, nếu “nâng” trường y lên thành ĐH Sức khỏe thì nó sẽ làm loãng ngành y học (và dược học, nha học) vốn là các trường rất chuyên ngành. Việc cần làm bây giờ là phải nâng chất chuyên ngành để đào tạo ra những bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ không chỉ làm công tác chữa bệnh mà còn là những nhà khoa học nghiên cứu hàng đầu về các phương thức chữa bệnh hiện đại.
Nhà giáo ưu tú TRẦN CHÚT - Nguyên chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM bày tỏ: cứ để tên là ĐH Y dược TP.HCM, trong đó có các trường thành viên là Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Dược khoa, Trường ĐH Nha khoa… Bản thân hai chữ “y” và “dược” đã bao hàm nghĩa rộng của một lĩnh vực khoa học. Nói tới ngành y, mọi người có thể hiểu ngay ngành này gồm có các ngành lĩnh vực y học: y, điều dưỡng, kỹ thuật y học, xét nghiệm… Còn ngành dược là bào chế thuốc, hóa dược, quản lý dược…
Việc phải giữ lại tên ĐH Y dược TP.HCM vì tên gọi này đã trở thành “thương hiệu” của nhà trường hàng chục năm nay rồi. Nếu đổi tên là rất uổng và không cần thiết, chỉ cần chuyển đổi mô hình “trường ĐH” sang “ĐH” để nhà trường phát triển thuận lợi hơn
Bộ trưởng Bộ Y tế: Tôi phát biểu như thế là hoàn toàn chính xác
Sáng ngày 20/9, trao đổi với báo chí ý kiến của mình về đề nghị đổi tên trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thành đại học Sức khỏe, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay cả nước có hai đại học lớn nhất là đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Quốc gia TP HCM. Trong ngành Y tế, thực hiện chủ trương của ngành, cụ thể hóa Nghị quyết 20- 21, các khối trường sức khỏe phải có đề án (hiện đã có đề án nhưng chưa phê duyệt) phải thành lập đại học Sức khỏe (Health University).
Theo bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong mô hình của đại học Sức khỏe sẽ gồm có: các trường Y, trường Dược, trường Y tế Công cộng, trường Điều dưỡng, trường Kỹ thuật y khoa.
Theo bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Tôi phát biểu như thế là hoàn toàn chính xác. Còn những người hiểu sai là chưa hiểu hết bản chất của đại học và trường đại học. Thứ hai, chưa hiểu rõ chủ trương của ngành - phải thực hiện kết luận thanh tra bộ GD& ĐT thực hiện mô hình thì không thể để tên “đại học Y dược TP. HCM” mà phải là “trường đại học Y dược TP. HCM”. Bởi, khi đã gọi là đại học thì không còn gọi là đại học y dược mà là đại học khối sức khỏe”, theo ghi nhận của Infonet.
Trước đó, trao đổi với báo Vietnamnet, khi giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế khẳng định, cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập dự kiến đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược, Trường ĐH Điều dưỡng, Trường ĐH Y tế công cộng…
Ông Lợi cho biết, mô hình này sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành.
Cũng theo ông Lợi, ề tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là ĐH Y Dược TP.HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình ĐH khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt.